Kinh doanh

Malaysia có buồng lái mô phỏng trực thăng Airbus H175 mới

DNVN - Airbus tiếp tục tăng cường cam kết đảm bảo an toàn hàng không bằng việc mở rộng Học viện Đào tạo bay Airbus Helicopters tại Malaysia, đồng thời bổ sung thêm thiết bị mô phỏng buồng lái (Full-flight simulator-FFS) thứ ba tại thành phố Subang của quốc gia này.

Dự kiến được đưa vào hoạt động vào nửa cuối năm 2026, thiết bị này sẽ hỗ trợ nhu cầu đào tạo bay ngày càng tăng trong khu vực, qua đó thể hiện cam kết luôn đồng hành cùng khách hàng của Airbus.

Lần đầu tiên có mặt bên ngoài Châu Âu, thiết bị mô phỏng buồng lái trực thăng H175 mới cùng với các buồng lái giả định của trực thăng H225 và AS365 hiện có sẽ mang lại trải nghiệm học tập tối ưu với các lớp học kỹ thuật số và các thiết bị huấn luyện bay bằng công nghệ thực tế ảo. Những tính năng mở rộng này sẽ hỗ trợ công tác huấn luyện chuyển loại, đào tạo định kỳ và huấn luyện bay theo nhiệm vụ nhằm đảm bảo năng lực vận hành trong các tình huống khẩn cấp.

Trung tâm mô phỏng bay của Airbus Helicopters tại Malaysia đã cung cấp hơn 21.000 giờ đào tạo cho khoảng 2.600 phi công.

Ông Romain Trapp, Phó chủ tịch điều hành bộ phận Hỗ trợ và Dịch vụ Khách hàng của Airbus Helicopters cho biết: "Khoản đầu tư này nhấn mạnh cam kết của Airbus đối với an toàn hàng không và sự đồng hành với khách hàng. Bằng việc nâng cao năng lực đào tạo tại Malaysia, chúng tôi tin tưởng rằng các phi công và nhân viên kỹ thuật ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ được tiếp cận các trang thiết bị đẳng cấp thế giới được thiết kế nhằm nâng cao tính an toàn và khả dụng".

Tính đến nay, trung tâm mô phỏng bay của Airbus Helicopters tại Malaysia đã cung cấp hơn 21.000 giờ đào tạo cho khoảng 2.600 phi công. Với thiết bị mô phỏng buồng lái trực thăng H175 mới, hãng đã sẵn sàng nâng cao năng lực đào tạo và đóng góp nhiều hơn nữa vào an toàn hàng không trong khu vực.

Trung tâm đào tạo sau khi được nâng cấp sẽ cung cấp công nghệ mô phỏng bay hiện đại như năng lực đào tạo cấp D, hệ thống điện tử hàng không Helionix tiên tiến nhất và các gói dữ liệu nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đảm bảo tái tạo chính xác hiệu suất của trực thăng, tất cả đều hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ phi công và an toàn bay.

Trâm Ngọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo