Kinh doanh

Tập trung phát triển du lịch để Hải Phòng đứng vững trên “kiềng ba chân”

DNVN - Hải Phòng đang quyết tâm vươn mình ra thế giới, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050 trở thành thành phố hàng hải toàn cầu, trung tâm du lịch biển mang tầm quốc tế.

Học viện Hàng không Vietjet tham gia mạng lưới đào tạo quốc tế của IATA / Dự án số 2 Phạm Ngọc Thạch của T&T Homes được vinh danh "Dự án đáng sống năm 2023"

“Anh cả” ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch cảng biển

Hải Phòng là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ. Trong những năm vừa qua Hải Phòng liên tục đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10%. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm cao nhất cả nước.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đầu năm năm 2023 ước tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng 12,7%-13%), đứng thứ 3 cả nước và thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng. Như vậy, trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng là thành phố duy nhất lọt top 3 có tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm cao nhất cả nước.

Với tiềm năng sẵn có cùng sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, Hải Phòng tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển. Đột phá thứ nhất là cảng biển và logistics với định hướng xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn thành phố.

Dự kiến đến cuối năm 2025, Hải Phòng sẽ thành lập khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng (Nam Đồ Sơn) với diện tích khoảng 20.000 ha. Đột phá thứ hai là phát triển mạnh kinh tế số với ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, du lịch, thương mại.

Đột phá thứ ba là xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh của thành phố. Liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Cảng Hải Phòng - Cụm cảng lớn nhất miền Bắc.

Đi theo 3 mũi nhọn đột phá, Hải Phòng định hướng tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính, bao gồm: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại; Và trung tâm du lịch biển quốc tế. Trong đó hướng đến mục tiêu thành phố có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Hiện thực hóa mục tiêu trung tâm du lịch biển quốc tế

Để “chiếc kiềng 3 chân” vững vàng, ngành du lịch Hải Phòng đang được chú trọng phát triển để cân bằng với mảng dịch vụ cảng biển và công nghiệp. Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt.

Là một trong rất ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng (bao gồm: đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không), Hải Phòng sở hữu lợi thế đặc biệt để song song phát triển cả công nghiệp – dịch vụ cảng biển và du lịch.

Trong khi hệ thống đường thuỷ nội địa và đường biển là mắt xích quan trọng trong phát triển logistics của Hải Phòng, đồng thời là cửa ngõ ra biển kết nối với thế giới của cả miền Bắc. Hệ thống đường bộ với nhiều công trình giao thông trọng điểm, có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - du lịch, đáng kể đến như: đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; đường cao tốc ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình; cùng các công trình cầu đường kết nối với Hải Dương - Thái Bình. Chưa kể hệ thống đường sắt và hàng không tại Hải Phòng đã được đầu tư bài bản từ rất sớm, mở ra kết nối thuận tiện phục vụ du lịch nội địa và quốc tế.

Theo quy hoạch chung, Đồ Sơn được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế với thể thao, vui chơi giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đó, bên cạnh tận dụng hạ tầng kết nối của khu vực, Đồ Sơn đã và đang mời gọi được các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo.

Trong đó, có thể kể đến Dự án Dragon Ocean Đồ Sơn với công viên nước quy mô nhất miền Bắc, sân golf link 27 hố nổi hoàn toàn trên biển, quần thể khách sạn 5 sao đã được khai trương... Nhiều dự án lớn cũng đã và đang được đầu tư, như khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dáu, Dự án mở rộng sân golf Đồ Sơn; Sân golf quốc tế BRG Ruby Tree 18 hố Đồ Sơn... Các dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm du lịch Đồ Sơn tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Các dự án lớn kỳ vọng góp phần nâng tầm du lịch Đồ Sơn.

Có thể nói, Hải Phòng là thành phố cảng biển du lịch vô cùng đặc biệt. Tận dụng tiềm năng sẵn có về địa thế và kết cấu hạ tầng phát triển, Hải Phòng đang vươn mình trở thành trung tâm du lịch biển mang tầm quốc tế.

Đánh giá về Hải Phòng, các chuyên gia cho rằng cộng hưởng từ một vùng đất ven biển với trụ kiềng 3 chân vững chắc: công nghiệp – dịch vụ cảng biển - du lịch, Hải Phòng đang là một trong những thành phố tiềm năng bậc nhất Việt Nam về tăng trưởng. Tương lai không xa, Hải Phòng sẽ vươn mình trở thành một cực tăng trưởng mới song song với Hà Nội tại khu vực phía Bắc.

Linh Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo