Kinh doanh

Thách thức trong cắt giảm điều kiện kinh doanh

Theo yêu cầu của Chính phủ, hôm nay 15-8 là hạn chót để các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% ĐKKD hiện có. Khả năng hoàn thành kế hoạch là khả thi.

Sản xuất tấm tôn lợp tại Công ty TNHH Tiến Lợi, Khu công nghiệp Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Sản xuất tấm tôn lợp tại Công ty TNHH Tiến Lợi, Khu công nghiệp Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Tuy vậy, vẫn còn không ít ý kiến còn tỏ ra lo ngại về tính thực chất của các phương án cắt giảm không đạt như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), thậm chí có phương án còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.
Gánh nặng cho doanh nghiệp
Tính đến cuối tháng 7, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 900 trong tổng số 5.905 ÐKKD (chiếm 15,2%). Ðiều này cho thấy, bước đầu các rào cản kinh doanh, sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, vẫn còn 2.690 ÐKKD (chiếm 45,55%) đã có phương án cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào thực hiện. Như vậy, nếu hoàn thành vào ngày 15-8, tỷ lệ cắt giảm ÐKKD sẽ đạt 60,75%, vượt tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ.

Dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, không ít ÐKKD đã được bàn tới khá lâu, đã đối thoại tìm giải pháp nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp. Chính việc tồn tại những ÐKKD không hợp lý cùng thủ tục hành chính rườm rà được coi là "gánh nặng" rất lớn đang "đè lên vai" các DN, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường của các DN, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của DN, thậm chí khiến nhiều DN phải rút khỏi thị trường. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong bảy tháng đầu năm 2018, Việt Nam có thêm 75.793 DN thành lập mới, nhưng lại có đến 59.910 DN phá sản, ngừng hoạt động. So cùng kỳ năm 2017, số DN thành lập mới chỉ tăng 3,9%, trong khi số DN rời thị trường tăng tới 38,4%. Chưa bao giờ số DN dừng hoạt động bằng 80% số DN mới ra đời.

Lấy thí dụ cụ thể về cắt giảm ÐKKD "nửa vời", Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Ðậu Anh Tuấn cho biết, việc đề xuất bỏ các điều kiện ràng buộc quy mô kinh doanh quá mức với các DN xuất khẩu gạo tại Nghị định 109/2010/NÐ-CP đã kéo dài gần tám năm nay. Mặc dù đã lấy ý kiến DN nhiều vòng, với khá nhiều quy định thông thoáng đã được thẩm định tại Bộ Tư pháp vào tháng 8-2017, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thông tin mới được sửa đổi cho phù hợp. Và thực tế, nhiều DN có sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo đặc sản tiếp tục mất cơ hội, không thể xuất khẩu gạo vì phải chờ đợi quá lâu việc sửa đổi các quy định bất hợp lý như: thiếu điều kiện về kho bãi, máy xát,... tại Nghị định này.

Không chỉ chậm trễ trong sửa đổi, việc chưa loại bỏ các ÐKKD bất hợp lý trong hoạt động kinh doanh cũng đang là nỗi lo của nhiều DN. Băn khoăn về Nghị định số 87/2018/NÐ-CP về kinh doanh khí, khi yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ ga phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số sê-ri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận,... Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ DN kinh doanh ga Hà Long cho rằng, việc thận trọng trong kinh doanh ga là cần thiết vì liên quan đến an toàn phòng, chống cháy nổ, nếu ÐKKD quá dễ dàng, những DN không đứng đắn sẽ làm bậy. Tuy nhiên, nếu quản lý cụ thể, chi tiết thông tin từng bình ga như quy định, DN sẽ cần thêm từ một đến hai người chỉ để ghi, phát sổ theo dõi với mức lương một tháng khoảng ba triệu đồng/người, cộng thêm tiền in ấn từ 10 đến 12 nghìn đồng/cuốn sổ mầu. Như vậy, chỉ riêng DN chúng tôi với hơn 13 nghìn khách hàng trên địa bàn sẽ phải tốn thêm 200 đến 220 triệu đồng/năm. Ðối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đây sẽ là một khoản tiền khá lớn, thậm chí nếu có thực hiện cũng khó khả thi, không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Cần đi vào thực chất

 

Hiện nay, tất cả các bộ đã đưa ra nhiều phương án dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% tổng số ÐKKD, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm. Ðáng chú ý, có nhiều đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách rất quyết liệt. Thí dụ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bãi bỏ 80, sửa bảy trong số 127 ÐKKD với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ, đạt tỷ lệ 68,5%. Cá biệt, Bộ Xây dựng có tỷ lệ đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa ÐKKD lên đến 89,4%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những con số thống kê này chưa hẳn toàn màu sáng, tỷ lệ cắt bỏ hẳn ÐKKD bất hợp lý dường như vẫn còn ít so với tỷ lệ sửa đổi. Phần lớn các bộ, ngành mới chỉ cắt giảm những quy định nhỏ, cách tiếp cận cũ cho nên chưa thật sự có giá trị lớn, không giải quyết được bất cập thực tiễn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các bộ, ngành đã cắt giảm từ 50 đến 80% ÐKKD, nhưng khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án, có thể thấy vẫn chưa đi vào thực chất. Bởi theo Nghị quyết của Chính phủ, tỷ lệ 50% được tính chung cho cả các ÐKKD bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi). Ðồng nghĩa, một ÐKKD được bãi bỏ cũng được tính tương đương với một điều kiện được sửa đổi. Trong quá trình rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các ÐKKD, dường như các bộ, ngành đang "bỏ quên" mục tiêu khi quy định các ÐKKD, dẫn tới tình trạng nhiều phương án đề xuất không đụng chạm được tới vấn đề cốt lõi, cải cách chỉ ở bề mặt theo kiểu sửa câu chữ, các yêu cầu cho rõ ràng hơn, mà chưa xử lý được bất cập cơ bản như bỏ hẳn điều kiện, yêu cầu nào đó. Ðơn cử, về ÐKKD hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, quy định hiện hành ghi là: có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí của kho bãi, địa điểm. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày; dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ ít nhất 12 tháng; hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý. Còn đề xuất sửa đổi ghi là: có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được các vị trí trong cửa hàng miễn thuế vào tất cả các thời điểm trong ngày, dữ liệu về hình ảnh lưu giữ trong 12 tháng. Ðây cũng tính vào tỷ lệ cắt giảm ÐKKD thì khó chấp nhận được.

Có thể thấy, vấn đề còn tồn tại hiện nay là một số bộ, ngành có xu hướng và góc nhìn còn bị giới hạn trong phạm vi văn bản, giới hạn trong phạm vi ngành nghề được rà soát. Chỉ rà soát kiến nghị sửa đổi các ÐKKD mà không xem xét đến kiến nghị loại bỏ ngành nghề đó ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện theo những kiến nghị đề xuất của các DN. Vì vậy, trước những bất cập nêu trên, hoạt động rà soát cắt giảm ÐKKD của các bộ, ngành cần được tiếp tục đẩy mạnh và toàn diện. Song song với đó, cần tránh để xảy ra hiện tượng "biến tướng" của ÐKKD, tức về mặt hình thức là đã được bãi bỏ, nhưng thực chất DN vẫn phải đáp ứng, thực hiện dưới một dạng điều kiện khác. Việc thực hiện rà soát cắt giảm ÐKKD, cải cách thủ tục hành chính cũng cần được thực hiện thường xuyên liên tục, tránh trở thành hình thức theo kiểu phong trào, đặc biệt cần có các giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng trên thúc giục cải cách rất mạnh, nhưng chuyển động ở dưới lại "chậm rãi và từ từ"...

Theo Báo Nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo