Kinh doanh

Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi cho bà con vùng dịch vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa

DNVN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán. Có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.

Đà Nẵng: Các tuyến vận tải khách không qua vùng dịch Covid-19 vẫn hoạt động bình thường / Chính sách xử lý với các tour, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Vietravel

Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi cho bà con vùng dịch vận chuyển hàng hóa

Sau khi báo chí có phản ánh về việc “ngăn sông cấm chợ” và cách ly y tế không phù hợp tại một số địa phương. Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán; có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.

Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh áp dụng biện pháp cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với với người đến từ vùng có dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo, xác định cụ thể vùng có dịch theo nguyên tắc “khoanh gọn nhất có thể” phục vụ mục tiêu kép để các địa phương áp dụng biện pháp phù hợp cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, không gây cản trở không cần thiết.

Nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, làm quá để dân không dám về quê

Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, “sợ nên làm quá, siết chặt” để dân không dám về quê.

PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.

Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong toả là “nội bất xuất ngoại bất nhập”, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong toả và được kiểm soát chặt chẽ.

Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).

Các địa phương “không được ngăn sông cấm chợ”, không được “làm quá” yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Chốt chặn ra vào thành phố Hải Phòng. Nguồn: Báo Lao động.

Chốt chặn ra vào thành phố Hải Phòng. Nguồn: Báo Lao động.

Bộ Y tế phải sớm hướng dẫn về việc “phong tỏa trong phong tỏa”

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình phong tỏa trong phong tỏa được thực hiện ở TP. Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.

Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn việc “phong toả trong phong toả”, cố gắng khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm hàng hoá cho bà con được lưu thông trong dịp Tết.

Vừa qua, chúng ta quy định thời gian cách ly tập trung là 21 ngày (trước đó, quy định cách ly tập trung là 14 ngày). Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn nhưng thời gian ủ bệnh của tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đều vào khoảng từ 14 ngày.

 

Vì vậy, Bộ Y tế đang xem xét nhưng phân tích khoa học cuối cùng để có văn bản điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung. Thực tế, các nước trên thế giới cũng đang thực hiện cách ly tập trung là 14 ngày.

Diễn biến dịch ở Điện Biên có nhiều điểm giống Gia Lai

Về diễn biến dịch bệnh tại tỉnh Điện Biên, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định diễn biến dịch bệnh ở địa phương này có nhiều điểm giống như ở Gia Lai.

Hiện ở Điện Biên chính thức có 3 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2 ca về đến địa phương là được cách ly tập trung ngay. 1 ca phát hiện ngay sau khi về nhà, hiện địa phương đang khẩn trương tiến hành truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia, bác sĩ lên hỗ trợ cho tỉnh Điện Biên phòng chống dịch. Các chuyên gia dự đoán, tình hình dịch bệnh ở Điện Biên sẽ sớm được kiểm soát.

 

Tuy nhiên qua thực tiễn chuyến xe từ Điện Biên (xe khách đường dài) bắt thả khách dọc đường, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đặc biệt lo ngại, vì chuyến xe này chứa nhiều rủi ro. Hiện nay các lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết, tìm hành khách xuống xe dọc đường.

Bên cạnh đó, do thời gian gần tết, người dân đi lại nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông vận tải nhất là vận chuyển hành khách công cộng (taxi, xe khách, máy bay…); yêu cầu xử lý thật nghiêm những xe khách chở quá số người quy định, không tuân thủ quy định phòng chống dịch. Đề nghị bà con thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, phòng chống dịch khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm và phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Công Thương, VHTTDL, Giao thông vận tải,... cho biết mặc dù Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương đều đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cơ sở y tế, trường học, phương tiện giao thông, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng nhà máy xí nghiệp,... tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn) và cam kết theo đúng quy định )., tuy nhiên, các địa phương vẫn làm rất chậm.

Đơn cử, về cập nhật thông tin của các trung tâm thương mại, nhà hàng ở 63 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết có 14 tỉnh cập nhật tương đối đầy đủ, 38 tỉnh cập nhật nhưng còn thiếu nhiều thông tin, 24 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng, 11 tỉnh chưa cập nhập.

 

Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc quyết liệt, sâu sát hơn nữa, có như vậy chúng ta mới có thể truy vết khoanh vùng được ngay những ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất kinh doanh.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm