Thúc đẩy xuất khẩu rau quả vào EU: Quan trọng là chất lượng và công nghệ
Tiềm năng nhiều nhưngthị phần rất khiêm tốn
Tại Hội thảo xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các nước thị trường EU và Nhật Bản, các chuyên gia đánh giá EU là thị trường rất tiềm năng của rau và hoa quả của nước ta.
“Do điều kiện khí hậu, châu Âu nhập khẩu khá nhiều các loại rau quả nhiệt đới như chuối, cam, quýt, xoài, dứa…Trong đó có một số nước nhập khẩu hàng đầu EU như Đức, Anh, Pháp và Hà Lan chiếm hơn 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả toàn EU”, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay.
Tuy nhiên, ông Quân cũng đánh giá, hiện rau quả của Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ, khoảng 1% lượng nhập rau quả của EU. Trong đó, nước ta xuất khẩu sang Hà Lan chiếm khoảng 5% thị phần, Anh khoảng 0,9%, Pháp khoảng 1,9%, Đức 2%, Ý 1,1%...
Cả nước có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả... Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng cho biết, trong nhóm hàng rau quả tươi xuất khẩu sang EU, trái cây luôn đạt kimngạch cao nhất với mặt hàng chủ lực gồm dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, xoài… Rau quả chủ yếu xuất ở dạng tươi, sơ chế do công nghệ sau thu hoạch còn kém, lạc hậu, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái bảo quản vẫn tiến hành thủ công.
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đánh giá, xuất khẩu rau quả của nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và đó chính là rào cản để nâng cao giá trị và kim ngạch của mặt hàng này tại một thị trường yêu cầu khá khắt khe như EU. Trong đó, phải kể đến là quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và tổ chức sản xuất thiếu sự liên kết.
Ngoài ra, khâu chế biến cũng còn hạn chế, theo thống kê sản lượng rau chế biến của nước ta hiện đạt khoảng 16 triệu tấn/năm, còn trái cây chế biến khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả... Mặt khác, chúng ta kém các đối thủ hoàn toàn về hạ tầng thương mại logistic, tiêu thụ; về việc quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến…
EU sẽ tiếp tục ra quy định siết chặt
Theo ông Trần Ngọc Quân, trong thời gian tới, xuất khẩu rau quả vào EU sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, rào cản. Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các đối thủ thì sản phẩm Việt còn gặp khó bởi các quy định, quy chuẩn rất cao. Rau quả vào EU sẽ bị rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi nghiêm trọng đến tiến độ xuất khẩu. Ví dụnhư hiện nay, tần suất kiểm tra thanh long đã tăng lên 20% và các loại rau gia vị đã tăng lên 50%.
Chưa hết, “hiện EU đang tiếp tục dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị…Bên cạnh đó, đang xem xét về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lương thực, thực phẩm từ các chế phẩm thuốc trừ sâu…”, ông Quân cho biết thêm.
Trước những khó khăn, hạn chế đó, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu rau quả vào EU cũng như để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, yếu tố đầu tiêncần quan tâm là tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu về sản phẩm của mỗi thị trường.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tươi nên trước mắt cần có sự đầu tư chủ lực vào khâu bảo quản, nhất là khi EU là thị trường cách xa nước ta về địa lý, khâu này cần được thực hiện tốt hơn. Song, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, cũng cần có sự hỗ trợ của cơ quan hữu quan về mặt bằng, vốn, công nghệ…
Ngoài ra, vấn đề kết nối thị trường cũng hết sức quan trọng, từ việc cung cấp thông tin nông sản trong và ngoài nước để các doanh nghiệp, người sản xuất biết được nhằm có định hướng đầu tư, sản xuất chế biến phù hợp… đến việc cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm của thị trường nước ngoài cho người sản xuất và doanh nghiệp, nhằm giúp họ có chiến lược sản xuất phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
“Điều quan trọng nhất là người sản xuất và doanh nghiệp có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu trồng cây cho đến khâu chế biến, tăng cường đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản nhằm kéo dài thời gian lưu thông,... Các doanh nghiệp xuất khẩu cần sản xuất theo nhu cầu và bám sáttiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường các nước EU. Khi chúng ta có sản phẩm chất lượng tốt và đáp ứng đủ yêu cầu của các nhà nhập khẩu, thì mới có thể rộng cửa chiếm lĩnh thị trường”, ông Quân nhấn mạnh./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo