Thị trường

Kỳ vọng đột phá xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong năm 2020 được kỳ vọng có sự đột phá trên các thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra là trên 42 tỷ USD.

Tăng cường kiểm soát tình trạng xuất khẩu thịt lợn qua biên giới / 'Nút thắt cổ chai' trong chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của ĐBSCL

Tiếp đà tăng trưởng tốt trong năm 2019, ngành gỗ của Việt Nam hiện đang đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) 12 tỷ USD trong năm 2020. Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường XK chính.

Cải thiện nhiều mặt

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc công ty TNHH Minh Phát 2, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đưa ra dự báo XK đồ gỗ nội thất vào thị trường Mỹ trong năm 2020 chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng khoảng 30%.

XK đồ gỗ của Việt Nam vào các thị trường chủ lực khác cũng sẽ tăng, nhưng nếu so với thị trường Mỹ thì tốc độ tăng sẽ chậm hơn. Nguyên nhân là đặc tính tiêu dùng của người Mỹ luôn là điểm hút về mặt thị trường của tất cả các ngành hàng, trong đó có ngành nội thất.

Về XK thuỷ sản, Ts. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), Chủ tịch HĐQT công ty Fimex VN, bày tỏ kỳ vọng năm 2020 sẽ là một năm mà ngành thuỷ sản có sự “tiến bộ mọi mặt”.

Với mục tiêu trong năm 2020 sẽ đạt kim ngạch 10 tỷ USD, Vasep cho rằng là cố gắng lớn của ngành thuỷ sản (chỉ tăng khoảng hơn 1 tỷ USD so với năm 2019) khi đang có dự báo tình hình thị trường còn khó khăn.

Riêng với XK tôm trong thời gian tới, ông Lực lưu ý là chắc chắn các doanh nghiệp (DN) tôm không thể nhập hàng block chế biến lại XK vì vi phạm truy xuất nguồn gốc, chỉ trừ trường hợp có sự thỏa thuận của bên tiêu thụ hàng. Như vậy, các DN Trung Quốc sẽ “một mình một chợ” các “vựa tôm” Ecuador, Ấn Độ…

“Từ đó, thương lái Trung Quốc sẽ giảm nhu cầu mua tôm tươi từ Việt Nam, trừ tôm sú cỡ lớn. Đó là một lợi điểm, không lo thương lái Trung Quốc tranh mua, phá giá…”, ông Lực chia sẻ.

Theo một số DN trong ngành hàng thuỷ sản, việc xúc tiến thương mại hợp lý cho từng thị trường XK cũng là giải pháp quan trọng giúp ngành từng bước đạt mục tiêu đề ra trong năm 2020. Đặc biệt là cần tiếp tục đàm phán mở rộng một số thị trường, tiếp tục hỗ trợ DN gỡ “thẻ vàng” hải sản để lấy lại uy tín sản phẩm hải sản Việt Nam...

Còn theo Vasep, để đạt mục tiêu XK đề ra, bản thân các DN trong ngành cần tập trung củng cố lại chuỗi sản xuất, tạo ra các sản phẩm nuôi có chất lượng tốt nhất thông qua hoạt động quản lý chuỗi cung ứng đầu vào cho hoạt động nuôi trồng.

Với riêng mặt hàng cá tra, cần tập trung cho công tác cân đối cung - cầu; tiếp cận biện pháp áp dụng quản lý con giống để đảm bảo mức cung - cầu hợp lý, tránh việc giảm giá đột ngột như năm 2019.

XK rau quả năm 2020 được kỳ vọng đạt khoảng 5 tỷ USD
XK rau quả năm 2020 được kỳ vọng đạt khoảng 5 tỷ USD

“Nhiệm vụ” khả thi

Về mục tiêu XK cà phê trong năm 2020 sẽ đạt kim ngạch 6 tỷ USD, giới phân tích nhận định là tràn trề hy vọng, khi cà phê của Việt Nam đã XK thành công đến 80 quốc gia.

Nhằm đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường đối với các sản phẩm cà phê trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết thường xuyên chú trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Mỹ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông... để nâng dần sản lượng cà phê chế biến XK.

Đối với XK hạt điều, để thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch 4 tỷ USD điều nhân trong năm 2020, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến nghị các DN tiếp tục thực hiện chủ trương “giảm lượng, tăng chất” trong nhập khẩu điều thô nhằm nâng cao chất lượng điều nhân và hiệu quả chế biến.

 

Mặt khác, lãnh đạo Hiệp hội Điều cho rằng năm 2020 vẫn là một năm khó đoán định do diễn biến phức tạp của kinh tế quốc tế, xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn; những chính sách bảo hộ của các nước liên quan đến cả điều thô và điều nhân cùng những diễn biến trên thị trường hạt điều toàn cầu.

Về triển vọng XK rau củ quả năm 2020, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch vào khoảng 5 tỷ USD cho toàn ngành, cao hơn nhiều so với năm 2019. Mục tiêu này là có cơ sở bởi năm 2020, Việt Nam đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương nên sẽ có thuận lợi về thuế quan.

Năm tới, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường quan trọng, truyền thống nên Hiệp hội Rau quả sẽ tuyên truyền để có thêm nhiều DN đáp ứng những yêu cầu XK chính ngạch. Hay với thị trường EU, Nhật Bản… lâu nay vẫn được nhận định là thị trường có yêu cầu khắt khe nên người nông dân, DN phải chú trọng hơn trong sản xuất để sản phẩm luôn đạt chất lượng cao nhất.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2020 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8- 3%, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD.

Dù đối mặt không ít thách thức, nhưng với những triển vọng từ các thị trường XK khi Việt Nam có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, mục tiêu này là “nhiệm vụ” hoàn toàn khả thi trong năm 2020.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm