Thị trường

Kỳ vọng thị trường trái phiếu "chia lửa" tài trợ vốn cho nền kinh tế

Theo thông lệ quốc tế, vốn trung và dài hạn tài trợ cho hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp.

Tập trung phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân / Xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong tháng 1, TP HCM tiếp tục là quán quân

Doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng là câu chuyện cũ, đã được chỉ ra từ nhiều năm qua. Hiện có khoảng 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng là cho vay dài hạn, trong khi đa phần lượng vốn huy động được có kỳ hạn ngắn.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường vốn cần phát triển theo hướng đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để "chia lửa" với hệ thống ngân hàng trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
z
Một vài tín hiệu đáng mừng gần đây được tờ Đầu tư Chứng khoán phản ánh, đó là từ 1/2, chính sách mới đã định hình tại Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay thế Nghị định 90/2011. Nhiều nội dung tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Điều này cộng với nhu cầu huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu tăng, nhiều khả năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 sẽ tốt hơn năm 2018. Việc quản lý thị trường vốn chỉ là một phần, phần còn lại ở chính các doanh nghiệp.
Nhìn lại "chợ" trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2018, điều dễ nhận ra là những người "đi chợ" bán được hàng chủ yếu là các ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán lớn. Trong khi các ngân hàng, doanh nghiệp lớn gần như cứ "vào chợ" là bán được trái phiếu thì những doanh nghiệp ít tên tuổi dù cố "trưng biển" rao bán trái phiếu nhiều lần nhưng phải lùi hết lần này đến lần khác.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm phát triển, dẫn đến doanh nghiệp khó tìm đến kênh này ngoài việc bản thân doanh nghiệp chưa đủ uy tín để gọi vốn, còn do nhà đầu tư chưa đa dạng, thị trường kém minh bạch, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện phát hành. Những vướng mắc trên đã có hướng tháo gỡ tại Nghị định 163/2018, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang chờ những văn bản thông tư hướng dẫn thực hiện.
Lấy ví dụ về tác động của Nghị định 163 đến các doanh nghiệp bất động sản, bài viết "Doanh nghiệp bất động sản chưa thiết tha việc phát hành trái phiếu" trên Thời báo Chứng khoán cho rằng đặc điểm của ngành bất động sản là cần nguồn vốn lớn và đòi hỏi tính liên tục suốt quá trình triển khai. Do vậy, các công ty nếu có kế hoạch triển khai "siêu dự án" thường có xu hướng huy động vốn từ trái phiếu.
Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng bị siết dần, tình hình vay vốn ngân hàng ngày càng khó khăn, việc phát hành trái phiếu sẽ có nhiều ưu thế hơn đối với các doanh nghiệp trong ngành địa ốc. Một khi tạo được niềm tin của nhà đầu tư, vấn đề thành công trong việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất cao.
Nhận xét về Nghị định 163, các chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, điểm mới của nghị định này là không yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi, mà chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức đủ điều kiện theo quy định. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu để giảm nợ hoặc cơ cấu lại nợ.
Hiện tại, việc xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 163 do Bộ Tài chính chủ trì. Cùng với công việc này, UBCK đang phối hợp với Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng thành lập sàn giao dịch trái phiếu do một Sở giao dịch chứng khoán quản lý. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính trong năm 2019.
Theo vtv.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm