Lạc quan xuất khẩu sau Tết Tân Sửu
Hải Dương: Sở Công Thương phải đi "gỡ" từng xe hàng cho doanh nghiệp / Xuất nhập khẩu tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán
Ở nhóm ngành nông lâm thuỷ sản, nếu tính riêng trong 7 ngày Tết âm lịch 2021 đã có hơn 14.000 tấn thanh long được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc.
Những tín hiệu “sáng”
Hiện nay, giá thanh long XK bật tăng gần 4 lần so với thời điểm trước Tết. Nhất là loại thanh long XK có tỉ lệ trái cồ tại vườn 80% trở lên được nhiều thương lái hỏi mua với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Ngay sau Tết Tân Sửu, mặc cho tác động của dịch Covid-19 đợt 3 thì hoạt động XK vẫn cho thấy những tín hiệu “sáng”. |
Là một DN XK trái cây hàng đầu của Việt Nam, tuần rồi, trong những ngày đầu tiên làm việc trở lại sau Tết Nguyên đán, công ty Vina T&T đã xuất 50 tấn thanh long đi Mỹ, Canada; 3 tấn chôm chôm sang thị trường Mỹ; 2 container với 40.000 trái dừa đi Mỹ và Hàn Quốc; 20 tấn xoài đi Australia.
Còn ở mảng XK tôm, ngay sau Tết Tân Sửu, CTCP tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thông báo tin vui về việc Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP)đã huỷ bỏ quyết định đã ban hành ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm XK từ Minh Phú vào thị trường Mỹ.
Có thể nói, Thuỷ sản Minh Phú như trút bỏ được gánh nặng từ quyết định này để việc XK tôm đông lạnh vào thị trường Mỹ được khơi thông trong năm nay.XK tôm của DN này đang cho thấy nhiều “cửa sáng”, như hồi tháng 1/2021 vừa qua đã xuất thành công 8 container hàng với hơn 160 tấn tôm sang thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
Ở mảng XK dệt may, trong tháng 2 này, ngay sau Tết âm lịch thì một số DN cũng đã có đơn hàng mới. Tại Tp.HCM, như chia sẻ của CTCP May Sài Gòn 3 thì họ vừa đàm phán ký kết xong hợp đồng XK dệt may cho thương hiệu lớn là Uniqlo của Nhật Bản. Trị giá hợp đồng này được cho là đủ để phía DN duy trì hoạt động sản xuất cả năm nay.
Những thông tin sau Tết Tân Sửu cho thấy nhiều DN dệt may trong nước đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Thậm chí, đối với DN chuyên sản xuất hàng dệt kim, hàng phổ thông thì có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Còn tháng 1/2021 vừa qua, kim ngạch XK hàng dệt và may mặc ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, theo giới phân tích thì ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng XK đến các thị trường lớn trên thế giới.
Khai thác lợi thế từ các FTA
Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết hồi giữa tháng 11 năm rồi được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực, cơ hội cho XK dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu.
Đây được cho là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Tương tự như ngành dệt may, vừa qua Tết âm lịch, các DN ngành da giày cũng cho biết đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các FTA mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của DN và thúc đẩy XK.
Do tác động của dịch Covid-19, năm 2021 này những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, đây chính là cơ hội để các DN da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, khối DN có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng XK.
Ở mảng XK thép, CTCP tập đoàn Hoa Sen là một trong những DN được ghi nhận có hoạt động XK xuyên Tết nguyên đán. Tháng 1 và tháng 2/2021, mặc dù là thời gian nghỉ Tết ở nhiều quốc gia nhưng sản lượng XK của Hoa Sen tiếp tục vượt mốc 100 nghìn tấn/tháng, mang về doanh thu ước tính khoảng 70-80 triệu USD/ tháng.
Trong năm nay, trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, XK ra các thị trường mới. Việc gỡ bỏ loạt thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp các DN ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường XK.
Bên cạnh việc theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời, cũng như đẩy mạnh hơn nữa hoạt động XK trong thời gian tới, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Nhất là cần ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK vào các thị trường XK sớm khôi phục sau đại dịch. Hơn nữa, các DN nên tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy XK tốt hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo