Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm mạnh
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng tháng 6/2023 đã đồng loạt giảm mạnh.
Tiếp tục tăng giá, xăng RON 95-III vượt mốc 22.000 đồng/lít / Định hướng phân phối trái vải, nhãn tại thị trường Thái Lan
Việc cắt giảm lãi suất tại các kỳ hạn thể hiện sự đồng thuận của các ngân hàng trong nỗ lực giảm lãi suất huy động. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Chỉ cách đây 1 tháng vẫn có hơn một nửa số ngân hàng thương mại huy động tiền gửi từ 6 tháng trở lên với lãi suất trên 8%/năm. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết lãi suất các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đã giảm xuống dưới mức này và chỉ còn một số ngân hàng huy động trên 8%/năm.
Cụ thể, trong số 35 ngân hàng thì chỉ có 5 ngân hàng còn áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 8 - 8,2%/năm. Theo đó, mức cao nhất 8,2%/năm được niêm yết tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); kế tiếp 8,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank); 8,02%/năm tại Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) và 8%/năm tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Cùng kỳ hạn trên có 23/35 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 7%/năm; trong đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) huy động ở mức 7,9%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) huy động 7,8%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cùng huy động mức 7,7%/năm...
Còn tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng tại NCB ở mức 7,95%/năm; GPBank 7,92%/năm; ABBank 7,8%/năm; SCB 7,75%/năm; VietBank 7,7%/năm...
Các ngân hàng BaoVietBank, Oceanbank, BacABank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cùng huy động lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Không đứng ngoài xu hướng đó, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) giảm từ 7,2%/năm xuống còn 6,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất kỳ hạn 6 -9 tháng cũng giảm từ mức 5,8 - 5,9%/năm xuống còn 5,5%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất hệ thống đang ghi nhận tại PVCombank với mức 11,5%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng lãi "khủng" như vậy, khách hàng phải gửi tiền với số dư từ 2.000 tỷ đồng trở lên; dưới mức này lãi suất là 8,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng huy động lãi suất cao nhất tới 9,5%/năm cho chứng chỉ tiền gửi phát lộc kỳ hạn 8 năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất cao nhất lần lượt là 9,3% và 9,2%/năm khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 - 13 tháng từ 300 và 500 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, mức lãi suất hiện tại của nhiều ngân hàng đã giảm tới hơn 1%/năm so với hồi đầu tháng 5. Thậm chí, có ngân hàng còn giảm lãi suất huy động đến 3 - 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng qua như: VietBank, OCB, NCB, VietABank, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...
Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng mới nhất công bố giảm lãi suất huy động từ ngày 1/6. Với mức giảm 1%/năm cho kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất tại Kienlongbank xuống còn 6,7 - 6,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,7%/năm xuống 7,1%/năm.
Việc cắt giảm lãi suất tại các kỳ hạn vừa qua thể hiện sự đồng thuận của các ngân hàng trong nỗ lực giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 và hạ trần lãi suất huy động lần thứ 2 kể từ đầu năm đến nay, áp dụng từ ngày 25/5.
Đánh giá về triển vọng lãi suất, báo cáo cập nhật ngày 1/6 của Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất có thể giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và sẽ tiếp tục giảm vào năm 2024.
Cũng theo SSI, trong khi lãi suất huy động đã giảm tới 250 - 300 điểm cơ bản so với đầu năm thì mức điều chỉnh lãi suất mua nhà lại chưa được nhiều do các khoản cho vay mua nhà được đánh giá là khá rủi ro liên quan tới các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Với lãi suất vay mua nhà hiện tại dao động quanh khoảng 13%, SSI cho rằng có thể cần cắt giảm thêm lãi suất này từ 150 - 200 điểm cơ bản mới có thể kích thích được nhu cầu trên thị trường bất động sản và điều này rất có thể sẽ xảy ra vào năm 2024.
"Tại thời điểm đó, tình hình thanh khoản sẽ tốt hơn khi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ đi vào thực tiễn", SSI đánh giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo