Meta thử nghiệm AI tìm kiếm khách hàng tiềm năng
Nhắn tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi có đến hơn một tỷ khách hàng tương tác với doanh nghiệp hàng tuần thông qua các nền tảng trò chuyện. Với gần 50% người tiêu dùng sử dụng mạng xã hội để khám phá các sản phẩm mới, Việt Nam là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về các xu hướng kinh doanh hội thoại.
Cụ thể, trung bình cứ ba người tiêu dùng Việt thì sẽ có một người gửi tin nhắn cho doanh nghiệp hàng tuần. Trước những triển vọng đầy hứa hẹn từ thị trường Việt Nam, tại sự kiện Business Messaging Summit diễn ra ngày 13/6, Meta đã công bố ba giải pháp kinh doanh Hội thoại mới dành riêng cho doanh nghiệp Việt.
Trong những năm gần đây, mạng xã hội chứng kiến sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công cụ khám phá sản phẩm hàng đầu tại Việt Nam, với gần 50% người tiêu dùng sử dụng các nền tảng này để khám phá sản phẩm và mua hàng.
Đặc biệt, có tới 45% người tiêu dùng nhắn tin trực tiếp cho doanh nghiệp để mua hàng, 62% tương tác với doanh nghiệp hàng tháng thông qua các ứng dụng nhắn tin. 76% người tiêu dùng Gen Z tích cực sử dụng các giải pháp Kinh doanh Hội thoại và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với Gen Y (86%) và Gen X (82%). Trong đó, Messenger là nền tảng phổ biến nhất với tỷ lệ sử dụng lên tới 60%.
Theo báo cáo do Decision Lab và Meta thực hiện, Facebook và Messenger có ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh tiêu dùng số tại Việt Nam, khi có đến 89% người dùng mạng xã hội hoạt động trên các nền tảng này. Đặc biệt, có tới 80% người dùng Gen Z thường xuyên sử dụng Facebook và Messenger. Là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam, Facebook và Messenger đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi số bằng cách phát triển tính năng nhắn tin trở thành hoạt động giao tiếp cốt lõi giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Để giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam tận dụng tối đa các cuộc trò chuyện với khách hàng, tại sự kiện Business Messaging Summit, Meta đã giới thiệu các giải pháp nhắn tin mới dành cho Messenger.
Cụ thể, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên Facebook Live sẽ sớm có thể sử dụng công cụ livestream, giúp người xem dễ dàng lướt nhanh qua các sản phẩm được giới thiệu và tìm hiểu về sản phẩm qua Messenger.
Tính năng "thúc đẩy" video phát trực tiếp trên Facebook đã được mở rộng cho nhiều doanh nghiệp sử dụng hơn vào đầu năm nay. Với việc ra mắt công cụ livestream, Meta mang đến cho nhà quảng cáo một bộ giải pháp giúp họ tạo ra một vòng lặp liên tục từ khám phá đến chuyển đổi.
Meta kết hợp công cụ khám phá với khả năng thương mại từ các Đối tác Kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Haravan, Nhanh.vn, Pancake và Sapo mang đến một trải nghiệm liền mạch từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành trao đổi với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể đồng bộ hóa danh mục sản phẩm trên Facebook, giúp khách hàng khám phá và tìm hiểu chi tiết, lựa chọn sản phẩm yêu thích và hoàn thành trao đổi với doanh nghiệp, tất cả đều trong giao diện chat.
Cùng đó, được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất Llama, Meta đang phát triển công cụ AI, cho phép doanh nghiệp phản hồi khách hàng một cách liền mạch, từ đó củng cố mối quan hệ với khách hàng mà không làm ảnh hưởng đến thời gian vận hành doanh nghiệp.
Meta đang thử nghiệm khả năng của AI trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng và thúc đẩy quá trình cân nhắc sản phẩm qua chuỗi tin nhắn. AI sẽ nắm rõ doanh nghiệp thông qua danh mục sản phẩm. Khách hàng có thể trao đổi với AI để tìm hiểu về sản phẩm và cân nhắc các mặt hàng khác nhau.
Meta đang tiến hành tích hợp AI vào giải pháp Kinh doanh Hội thoại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam vào cuối năm 2024.
“Cộng đồng người dùng tại Việt Nam rất tích cực kết nối với các thương hiệu thông qua dịch vụ nhắn tin, với 43% người tiêu dùng tiếp cận với doanh nghiệp trên Messenger hàng tuần, và 73% cảm thấy thoải mái khi sử dụng chatbot AI” ông Khôi Lê, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Meta chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo