Thị trường

Minh Hóa, Quảng Bình: Từng bước giúp người dân giảm nghèo

Giảm nghèo là một trong các tiêu chí của quá trình nông thôn mới. Tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình), để hoàn thành mục tiêu cán đích nông thôn mới, thông qua Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện đã và đang nỗ lực lồng ghép các chương trình, dự án; huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo.

Để mang lại hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, Minh Hóa tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế tiêu biểu.

Giảm1.090 hộ nghèo

Từ đầu năm 2018 đến nay, thông qua nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (30a, 135), huyện Minh Hóa đã phân bổ trên 53 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Thông qua nguồn vốn giải ngân từ Ngân hàng CSXH, đã có 12.681 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền được vay 343.516 triệu đồng.

Cùng với đó, nhiều công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bảo đảm phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, tất cả xã ở Minh Hóa đã có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện (trong đó có 6 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến), nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, từ cuối năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện giảm 1.090 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 33,30% xuống còn 24,73% (giảm 8,57%), vượt kế hoạch UBND tỉnh giao (8,3%). Hộ cận nghèo giảm 519 hộ, giảm từ 45,10% xuống còn 40,59%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - ông Đinh Minh Hương, cho biết để có được kết quả trên, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông sản theo chuỗi nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Để phát triển thương hiệu mật ong Minh Hóa, huyện đã thành lập HTX Nuôi ong lấy mật và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thành Công (xã Yên Hóa). Các thành viên nuôi ong xen giữa trang trại trồng cây công nghiệp, rừng nhằm tận dụng nguồn thức ăn thiên nhiên, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Trung bình với 40 - 50 đàn ong, mỗi thành viên có thu nhập ổn định 100 - 120 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ong mật giúp người dân Minh Hóa giảm nghèo hiệu quả

Phát triểnkinh tế rừng

Ngoài tiêu thụ mật cho thành viên, HTX còn đứng ra tiêu thụ mật ong cho nhiều gia đình nuôi ong trên địa bàn. Nhờ nguồn hoa rừng phong phú, ong của HTX có thể cho ra mật quanh năm.

Theo lãnh đạo huyện, thế mạnh của Minh Hóa chính là lâm nghiệp. Về cơ bản, trồng rừng kinh tế vẫn là thế mạnh, mang lại giá trị cao cho người dân. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, huyện khuyến khích người dân trồng các giống cây lâm nghiệp có tính chống chịu gió bão cao. Trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để hình thành các gia trại và trang trại, từ đó góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.

Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng theo tiêu chí của Hội đồng quản trị rừng thế giới (Chứng chỉ FSC).

Chính vì vậy, ngoài triển khai tốt các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, như: Hỗ trợ đầu tư và tín dụng để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, đầu tư các cơ sở chế biến gỗ...; hỗ trợ để cấp chứng chỉ rừng bền vững đối với rừng gỗ lớn… huyện đang đẩy mạnh thành lập HTX, tổ hợp tác.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh các chính sách thu hút doanh nghiệp lĩnh vực chế biến gỗ có công nghệ cao và chế biến tinh sâu, tận dụng được nguyên liệu nhằm tăng giá trị sản phẩm gỗ.

Với những bước đi cụ thể, Minh Hóa đặt mục tiêu mỗi năm, mỗi xã phấn đấu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Theo Như Yến/Thời báo Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo