Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019: Lần đầu tiên Việt Nam vươn lên nửa trên bảng xếp hạng
Theo báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được WEF công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay, với 61,5 điểm trên thang 100; tăng 10 bậc so với năm ngoái.
WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi, Thị trường, Nhân lực và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo. Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.
Trong 12 trụ cột của WEF, Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất về Quy mô thị trường, khi đứng thứ 26, với 72 điểm. Xếp hạng thấp nhất là Kỹ năng, đứng thứ 93 toàn cầu. So với năm ngoái, điểm số của gần như toàn bộ 12 lĩnh vực đều tăng.
Với mức tăng này, WEF đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất thế giới trong xếp hạng năm nay.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định rằng, với việc Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.
"Báo cáo năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đưa ra thông điệp đáng chú ý là nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu sự tương quan giữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sự phát triển bền vững, giữa năng lực cạnh tranh và mức độ gắn kết xã hội và cho thấy rằng không nhất thiết phải có sự đánh đổi giữa thành tựu kinh tế và phát triển bền vững, giữa câu chuyện thành công trong kinh tế và các vấn đề xã hội. Một nền kinh tế hoàn toàn có thể hướng đến và đạt được cả các mục tiêu này. Đây cũng là một khẳng định định hướng, xu hướng đúng đắn mà Chính phủ Việt Nam đang kiên định theo đuổi", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo