Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào? / Ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, một mặt hàng của Việt Nam được hưởng lợi lớn
Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã cam kết một loạt chính sách đối ngoại và kinh tế như phát triển kinh tế nội địa, giảm thuế thu nhập, tăng ưu đãi thuế, tăng ngân sách quốc phòng, đàm phán lại các thỏa ước thương mại và kiểm soát nhập cư.
Trong đó, nhóm chính sách kinh tế quan trọng bao gồm việc cắt giảm thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp) để kích cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài và kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ quay trở lại.
Đặc biệt, chính sách tăng thuế nhập khẩu, đặt mức thuế lên đến 10-20% cho hàng hóa nhập khẩu, có thể lên đến 100% đối với các quốc gia trong khối BRICS (nhóm các nền kinh tế đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) không sử dụng USD trong giao dịch, gây áp lực đối với các nước như Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lực, dù những chính sách mới từ tân Tổng thống Mỹ mang lại nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển chuỗi cung ứng sang những điểm đến khác, trong đó Việt Nam là một trong những đích đến hàng đầu.
Bên cạnh đó, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ còn nhiều tiềm năng. Trong giai đoạn gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn từ Mỹ đã quan tâm đến Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bán dẫn và khoa học công nghệ.
Để hạn chế rủi ro, Việt Nam cần cân bằng cán cân thương mại với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao như bán dẫn, thiết bị y tế, năng lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực nội tại thông qua việc minh bạch hóa thông tin hàng xuất khẩu, kiểm soát chất lượng các dự án FDI nhằm ngăn chặn tình trạng “đội lốt” để tránh thuế.
“Cần nghiên cứu cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ”, ông Lực nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, chính quyền Mỹ dự kiến áp thuế 16,2-20% đối với hàng hóa Việt Nam. Ngành may mặc Việt Nam chỉ tự đáp ứng 20-30% nguyên liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, để giảm áp lực thuế từ Mỹ, các doanh nghiệp cần chuyển sang nhập khẩu từ những quốc gia không bị đánh thuế cao.
Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của Mỹ hiện rất minh bạch, với quy trình truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đến thành phẩm thông qua mã QR. Điều này giúp kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, khiến các doanh nghiệp khó “đội lốt” hàng Việt Nam để tránh thuế.
“Nếu công ty nào nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam sản xuất vài công đoạn sẽ bị phát hiện và bị đánh thuế tương tự như hàng hóa của Trung Quốc”, ông Việt nói.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những điểm sáng tích cực trong năm 2024 với mức tăng trưởng GRDP dự kiến đạt 7,2%. Đây là nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ vào năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư công tăng cường.
Những chính sách mới từ tân Tổng thống Mỹ tạo ra không ít thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế và góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo