Người Xơ đăng ở Kon Tum trở thành tỷ phú nhờ trồng cây dược liệu
Trồng rau thoát nghèo nơi người dân không quen ăn rau / Trồng rau mầm trước sân, thu lãi 20 triệu đồng mỗi tháng
Những năm gần đây từ định hướng của tỉnh Kon Tum, người Xơ đăng ở các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei đã tích cực trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2019 vừa qua nhờ trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây cùng một số loại dược liệu khác, đã có nhiều người Xơ đăng thành triệu phú, tỷ phú.
Những ngày cuối năm, vợ chồng chị Y Hiếp, ở làng Tư Rang, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vẫn tất bật thu hoạch sâm dây. Chị Y Hiếp vui vẻ cho biết, sâm dây đào đến đâu bán hết đến đó. Loại to 8 củ một kg bán với giá 200.000 đồng. Loại từ 10 đến 15 củ bán 150.000 đồng. Loại nhỏ hơn bán xô từ 50.000 - 80.000 đồng một kg.
Mỗi ngày vợ chồng Y Hiếp thu được từ 4 đến 5 triệu đồng tiền sâm dây. Năm ngoái riêng tiền bán sâm dây gia đình thu khoảng 250 triệu đồng. Năm nay năng suất, giá bán có nhỉnh hơn chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn.
"Trồng sâm dây có lợi hơn cà phê nhiều lắm. Được giá, dễ bán hơn lại dễ trồng. Mình chỉ việc trồng thu hoạch thôi còn người mua thì đến tận rẫy. Năm nay sâm dây cũng được mùa, nhiều củ to và đẹp nên thu mỗi ngày cũng bán được khoảng 5 triệu đồng. Tết này thì chắc là rất vui” - chị Y Hiếp cho biết.
Giống như gia đình chị Y Hiếp, người Xơ đăng ở các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei); Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông); Măng Bút, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) trồng sâm dây dưới tán rừng, xen cả trong rẫy mì, cà phê… và đều mang lại hiệu quả.
Người Xơ Đăng huyện Đăk Glei thu hoạch dược liệu. |
Thực tế cho thấy việc phát triển cây dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum rất thuận lợi. Đối với hai loại cây có giá trị kinh tế cao thị trường tiêu thụ mạnh là sâm Ngọc Linh và sâm dây (Hồng đẳng sâm), vốn là loài bản địa nên người dân hiểu rõ đặc tính và kỹ thuật canh tác. Nếu như sâm Ngọc Linh chỉ trồng được dưới tán rừng già trên núi cao thì sâm dây vừa dễ canh tác lại phát triển được ở nhiều địa hình đồi núi và môi trường khác nhau.
Tại huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông, người Xơ đăng còn thành công với việc trồng một số cây dược liệu mới mà điển hình là cây đương quy.
Chị Y Mua, ở làng Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, cho biết mỗi năm gia đình có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ loại cây này.
Theo chị Y Mua:“Cây đương quy dễ trồng, dễ chăm sóc hơn cây cà phê rất nhiều. Qua 2 năm trồng đương quy, thu nhập của gia đình tôi đã tăng đáng kể. Tư thương họ vào tận vườn để thu mua. Củ thì tôi bán 1kg được 40.000 đồng còn lá thì 1kg được 2.000 đồng. Trồng đương quy có thu nhập, nâng cao cuộc sống của gia đình, bớt vất vả hơn”.
Người Xơ Đăng trồng Sâm Ngọc Linh. |
Xét về hiệu quả kinh tế, việc trồng cây dược liệu mang lại thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác. Với cây sâm Ngọc Linh, người dân ở các xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông đã trồng được khoảng 30ha. Mỗi kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả lá và củ đang có giá khoảng 100 triệu đồng.
Hàng năm mỗi cây sâm Ngọc Linh trưởng thành cho vài chục hạt. Chỉ cần 1 phần trong số này ươm thành công, mỗi cây giống bán đi người dân đã có khoảng 300.000 đồng. Đối với cây sâm dây, hiện người Xơ đăng đa số vẫn trồng xen với một số cây trồng khác.Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, nếu tổ chức trồng và canh tác tốt, mỗi ha sâm dây sẽ cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, việc phát triển dược liệu đã mở hướng thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.
“Hai năm qua, tuy địa phương vẫn trồng ở một quy mô chưa nhiều, chưa lớn, nhưng với những sản phẩm bước đầu và đầu ra ổn định; nên phần nào giải quyết được vấn đề thoát nghèo và có những hộ đã vươn lên thu nhập khá. Kỳ vọng trong 2 năm tới và giai đoạn sau 2020 theo định hướng phát triển nông nghiệp dược liệu này thì người dân ở huyện sẽ sớm thoát nghèo với tỷ lệ cao” - ông Lê Đức Tín cho biết.
Giúp người dân mở rộng diện tích cây dược liệu phát triển kinh tế gia đình, trong năm 2019, các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông đã lồng ghép, kết hợp nhiều chương trình hỗ trợ nông dân cây giống, phân bón… tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum tăng cường việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây dược liệu cho nông dân.
Hỗ trợ cây giống Sâm Ngọc Linh. |
Ông Phạm Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen cho biết, đơn vị tập trung sản xuất 7 loại giống dược liệu. Năm 2019 đã cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên 300.000 cây sâm dây, hơn 40.000 cây đương quy, khoảng 120.000 cây lan kim tuyến.
Theo ông Phạm Thanh:“Những cây dược liệu mà chúng tôi cung cấp tỷ lệ sống rất cao. Thứ hai chúng tôi hỗ trợ về mặt tư vấn kỹ thuật, khuyến cáo cho bà con những thời điểm để bà con xuống giống cho phù hợp. Chúng tôi thấy có một tiềm năng rất lớn để phát triển dược liệu. Bên cạnh chuyện phát triển còn hỗ trợ cho mọi người phân bón hoặc vốn ban đầu và thu mua chế biến lại thì tiềm năng, triển vọng rất là tốt”.
Đến hết năm 2019 tỉnh Kon Tum đã phát triển được 750 ha dược liệu, sản lượng đạt trên 3.900 tấn, chưa tính Sâm Ngọc Linh. Hầu hết diện tích dược liệu của địa phương được trồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Xơ đăng, gồm các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Cùng với hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu để thoát nghèo và vươn lên làm giàu, tỉnh Kon Tum đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng đối với 10 doanh nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu với tổng diện tích khoảng 7.660 ha.
Đây cũng là cơ hội nữa để người Xơ đăng có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Trong niềm vui năm mới, người Xơ đăng bàn nhiều đến việc trồng thêm những cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng già, mở rộng thêm rẫy sâm dây, đương quy, lan kim tuyến, ngũ vị tử… để có thêm thu nhập, thêm những mùa Xuân no ấm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo