Thị trường

Nguy cơ đổ vỡ mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD?

Tác động của dịch Covid-19 đang khiến mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020 của Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ. Việt Nam cần có chiến lược giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường để vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, vừa tăng giá trị gia tăng.

Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam có “cơ” vượt Thái Lan / Cơ hội cho xuất khẩu chè tăng tốc

Báo cáo tình hình xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương lo ngạixuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Gián đoạn xuất khẩu vì thiếu nguyên liệu

Các doanh nghiệp không chỉ phải vượt qua các rào cản thương mại từ những thị trường trọng điểm, mà đáng lo hơn chính là việc "đứt gãy" nguồn cung nguyên liệu có thể khiến doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động xuất khẩu.

xuat-khau-det-may-co-nguy-co-g-8414-6623

Xuất khẩu dệt may có nguy cơ gián đoạn vì thiếu nguyên liệu

Tình trạng này đang xảy ra với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử....

Đối với ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp. Sức mua của thị trường Trung Quốc giảm sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu da giày của doanh nghiệpsang thị trường Trung Quốc và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam.

Tương tự như ngành da giày, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất khi phải nhập khẩu nguyên liệu giá cao hơn hàng Trung Quốc.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD (đứng thứ 5 sau Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc), chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi đạt 2,4 tỷ USD (90% sợi cotton của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc). Do vậy, các nhà máy sợi Việt Nam sẽ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

 

Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sắp tới có thể đến từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và sớm có hiệu lực.Song thực tế để tận dụng được các cơ hội này cũng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp.

Đơn cử như với ngành dệt may, do phụ thuộc 80% nguyên phụ liệu nhập khẩu nên khó đáp ứng quy tắc xuất xứ từ EVFTA. Ông Trần Đăng Tường, Tổng giám đốc Công ty Dệt Bảo Minh, chia sẻ làm ra một mảnh vải đạt được chất lượng như phía đối tác EU đưa ra rất vất vả, chưa kể doanh nghiệp phải đáp ứng thời gian giao hàng, giá cạnh tranh khốc liệt.

Nâng cao giá trị gia tăng

Đáng lo nhất là nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, điện tử chỉ có đủ nguyên liệu sản xuất đến hết tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Nếu hết tháng 3 mà dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động xuất khẩu.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Hậu quả không chỉ là trước mắt mà còn liên quan đến việc tham gia chuỗi sản xuất trong tương lai.

 

"Nếu doanh nghiệp Việt không cung cấp được nguồn hàng, chắc chắn các đối tác sẽ đi tìm nhà cung ứng từ các quốc gia khác. Trong làm ăn, việc mất bạn hàng là điều tối kỵ", bà Lan chia sẻ.

Chuyên gia này cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Nhà nước phải có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Cứu doanh nghiệp khỏi "chết" cũng là để giữ cho nguồn thu lâu dài, giữ công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, về lâu dài, các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam như da giày, dệt may, điện tử... cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Phát triển khu vực này thì xuất khẩu của Việt Nam mới tạo thêm được giá trị gia tăng, có ý nghĩa thực tế cho doanh nghiệp, cho người dân. Lâu nay, doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu lấy công làm lãi, gia công hộ, trong khi doanh nghiệp FDI, bên cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc mới là người được lợi chính.

Mới đây, việc Mỹ thông báo đưa Việt Nam ra khỏi nước đang phát triển trong chính sách đối xử thương mại của mình (tiêu chí đánh giá của Mỹ là dựa vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu) đã cho thấy rõ ràng Việt Nam rất thiệt thòi. Về bản chất, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam chủ yếu nằm trong taydoanh nghiệpFDI, họ chuyển giá trị về nước chứ không để ở Việt Nam.

"Đây là dịp để chúng ta tăng giá trị gia tăng trong xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ từ các thị trường lớn như EU, các nước phát triển trong CPTPP. Làm được điều này, Việt Nam mới thực sự được hưởng lợi từ tăng cường xuất khẩu", bà Lan nói.

 

Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được trong năm nay nếu ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, gia tăng chế biến sâu; ngành công nghiệp nâng cao năng lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, chú trọng thiết kế... Từ đó giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh "bỏ trứng vào một giỏ".

2 kịch bản của Bộ KH&ĐT về tăng trưởng xuất khẩu dưới tác động của dịch Covid -19
-Kịch bản 1: Dịch Covid-19 kết thúc cuối quý I/2020:
Ước tính kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% (các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 10,4%, hàng thủy sản giảm 11,4%).
-Kịch bản 2: Dịch Covid-19 kết thúc cuối quý II/2020:
Ước tính kim ngạch xuất khẩu quý II đạt 58,5 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 7,5 tỷ USD, giảm 17,3% (ác mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 19,1%, hàng thủy sản giảm 21,9%).


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm