Nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25: Sảy một ly, đi một dặm...
Việt Nam bất ngờ nhập siêu gần 1,3 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4 / 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế
Đây cũng là câu chuyện nóng nhất trên mạng xã hội trong tuần qua. "Cái tên ST25 không nổi bật phổ biến mà có tận 4 doanh nghiệp Mỹ cùng đăng ký bản quyền, chứng tỏ họ muốn nhanh tay lấy bản quyền trước, sau này, mình phải trả tiền cho họ để được bán với tên ST25 ở thị trường Mỹ", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Đó là một sơ hở. Chắc ban đầu gia đình ông Cua cũng chỉ muốn có một sản phẩm tốt thôi, không ngờ được đón nhận như vậy, nên cũng chưa tính bước tiếp theo", một tài khoản mạng khác nói.
Thế nhưng, một luồng ý kiến khác cho rằng, ST25 là tên của loại gạo chế biến từ giống lúa ST25. Ai bán ra thị trường đều phải gọi đó là "Gạo ST25", nên đó là tên chung của một loại sản phẩm, không được đăng ký làm nhãn hiệu.
"Gạo là sản phẩm chế biến, nên không thể đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với tên "Gạo ST25" đâu", một tài khoản mạng xã hội nói.
Người tiêu dùng chọn mua gạo ST25 tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
"Kể cả với doanh nghiệp tư nhân của gia đình ông Hồ Quang Cua cũng không thể bảo hộ độc quyền tên Gạo ST25", một tài khoản mạng xã hội khác cho hay.
Câu chuyện thương hiệu ST25 có bị mất hay không vẫn cần hạ hồi phân giải. Thế nhưng, trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu ngay trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu, thậm chí trong đó có cả những "ông lớn" như cà phê Trung Nguyên, Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… Nguyên nhân chủ yếu là do lơ là với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường làm ăn tự phát, không tính đường xa, chỉ tính làm ra sản phẩm, bán được là tốt, cắt giảm tối đa chi phí nên không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ", một tài khoản mạng xã hội nhận định.
"Muốn mở rộng thị trường, không có cách nào khác, phải đầu tư cho sở hữu trí tuệ. Đầu tư ban đầu tốn phí nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với khi bị người khác đăng ký trước", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
Thương hiệu là "linh hồn" của mỗi doanh nghiệp. Mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường. Do đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, song song với việc xây dựng thương hiệu cũng cần có chiến lược bảo vệ, giữ gìn thương hiệu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Thương hiệu gạo “Vietnam Rice” sẽ được bảo hộ trên 22 quốc gia
Theo Bộ Công Thương, hiện chúng ta có khoảng 55 thương vụ trải đều các thị trường xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Việt Nam và khi doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu, tham tán thương mại tại các nước sở tại sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cụ thể.
"Thứ nhất là hướng dẫn quy trình thủ tục của nước sở tại, với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại. Thứ hai là cung cấp tư vấn ban đầu: thủ tục ra sao, đi đến gặp gỡ những cơ quan nào, quy trình thẩm định chi tiết…", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.
Còn theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin mới nhất là có khoảng 22 nước trên thế giới sẽ bảo hộ thương hiệu gạo quốc gia “Vietnam Rice”. Đây cũng là một tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp gạo Việt Nam có thể được bảo hộ tốt hơn trên thị trường thế giới.
"Đã bảo hộ nhãn hiệu Vietnam Rice tại 22 nước và trong đó có thị trường khá quan trọng như: Trung Quốc, Philippines, thị trường châu Phi và một số nước EU. Đây là tài sản vô hình khi chúng ta đã xác lập quyền bảo hộ trí tuệ ở nước ngoài", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ.
Trong thời gian sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trương kêu gọi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cùng tham gia sâu hơn để cùng chia sẻ quyền lợi từ thương hiệu quốc gia “Vietnam Rice”, bên cạnh nhãn hiệu của từng doanh nghiệp.
Gạo ST25 đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. (Ảnh: NLĐ)
Dù chưa sản xuất gạo ST25, nhưng với kinh nghiệm xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp liên tục đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và nhất là ở các thị trường chủ lực của mình.
Làm ra một giống lúa mới như ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua đã phải mất hàng chục năm để có thương hiệu danh tiếng và phải trải qua các cuộc thi, nhưng để giữ được thương hiệu đó là cả một nỗ lực.
Qua trao đổi với với ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống gạo ST25, được biết hiện ông và các đồng nghiệp đang nỗ lực làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo riêng của doanh nghiệp tại Mỹ.
Từ tháng 6 đến tháng 10/2020, đúng thời điểm giống lúa ST25 được phổ biến ở quy mô thương mại sau khi đạt giải quốc tế năm 2019, đã có 5 đơn xin đăng ký nhãn hiệu này ở thị trường Hoa Kỳ.
Vậy, một sản phẩm do người Việt sáng chế lại bị doanh nghiệp ở nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng như thế nào? Liệu sau này doanh nghiệp Việt sản xuất gạo ST25 xuất khẩu sang nước đó có gặp khó khăn hay phải chia sẻ lợi ích gì với doanh nghiệp ngoại hay không? Làm thế nào để doanh nghiệp Việt không rơi vào các tình huống phải đi kiện tụng, tốn tiền tốn thời gian? Chủ sở hữu cũng như doanh nghiệp Việt đang sản xuất và xuất khẩu ST25 cần làm gì ngay bây giờ?
Những thắc mắc trên phần nào sẽ được giải đáp trong mục Góc nhìn - chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần với sự tham gia của ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT