Nhiều dư địa cho xuất khẩu rau quả
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Xuất khẩu (XK) rau, hoa, quả những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu do công ty Nova Exhibitions (Hà Lan), công ty Triển lãm quốc tế Trường Thành (Trung Quốc) và công ty TNHH MTV Dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi (VEAS) phối hợp tổ chức sáng 24/10, tại Hà Nội.
Thị trường Á-Âu còn tiềm năng lớn
Bà Đặng Thanh Phương, Phó Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết ngành rau quả Việt Nam trong những năm gần đây có bước tăng trưởng vượt bậc, nhất là về XK.
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị XK rau quả tháng 9/2019 ước đạt 295 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 2,84 tỷ USD và được dự báo sẽ còn đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa.
Làm vườn và trồng hoa - mặc dù mới phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng đã thể hiện được tiềm năng, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước XK rau quả lớn nhất thế giới.
Đáng chú ý, năm 2018 đạt kim ngạch XK kỷ lục với 3,52 tỷ USD, tăng 10,8% và vượt kim ngạch XK dầu thô 1,92 tỷ USD.
Hiện tại, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã XK đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, khu vực châu Á chiếm 85% tổng kim ngạch XK, đứng đầu là các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.
Cũng theo bà Phương, XK rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu hầu hết đều đã về 0%.
Còn với thị trường châu Âu, ông Willem Schoustra - Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cho biết nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản, rau quả của EU rất lớn. Việt Nam có lợi thế sản xuất các loại rau củ nhiệt đới với chủng loại đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam vừa được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lĩnh vực rau quả mở rộng thị trường XK, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Á - Âu.
Vượt thách thức từ rào cản
Tiềm năng XK rau, hoa, quả của Việt Nam là quá rõ ràng nhưng các chuyên gia tại Hội thảo cũng cho rằng nông sản Việt nói chung và ngành hàng rau, hoa, quả nói riêng rất phong phú nhưng XK hiện vẫn còn hạn chế.
Bà Đặng Thanh Phương cho biết XK tại thị trường châu Á đang gặp những thách thức lớn do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc quy định khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đánh giá rủi ro phức tạp, kéo dài.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng chuyển từ giao dịch biên mậu sang nhập khẩu chính ngạch, đồng thời áp dụng các chính sách thắt chặt kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu.
Các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội cho mặt hàng rau, hoa, quả nhưng đồng hành cùng với cơ hội là thách thức đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng thực phẩm của thị trường EU, đặc biệt tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật (SPS) đặt ra rất cao.
Theo Luật Thực phẩm châu Âu, một mặt hàng thực phẩm được nhập khẩu vào EU được coi là an toàn thì phải tuân thủ các quy định gồm các quy định có liên quan đến Luật Thực phẩm; các điều kiện tương đương do EU đặt ra; nếu tồn tại một thỏa thuận riêng giữa EU và nước XK phải tuân theo các quy định trong thỏa thuận đó…
Cũng đánh giá về những khó khăn mà ngành hàng rau, hoa, quả đang phải đối mặt, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phân tích: khác với thị trường ở châu Á, EU không cần thực hiện quy trình đánh giá rủi ro với các loại rau và hoa quả khi nhập khẩu nhưng quy định rất chặt chẽ về mức độ dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật; thậm chí áp dụng các biện pháp hạn chế, cấm nhập khẩu khi phát hiện các mối nguy cụ thể.
Vì vậy, dù EVFTA đi vào thực thi, nông sản, rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thuế nhưng chưa hẳn đã có thể gia tăng kim ngạch XK vào EU.
Do đó, ngành rau quả phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định để đưa nông sản Việt vào thị trường Á-Âu, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là an toàn thực phẩm, xây dựng nền sản xuất bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững