Thị trường

Nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Hàng loạt giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ đặt ra với các Bộ ngành, địa phương ngay từ đầu năm.

Đà Nẵng: Ngày 18/3 Sun World Ba Na Hills đón khách trở lại sau gần một năm đóng cửa / Vượt Thái Lan, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh

Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai hai dự án giao thông trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai hai dự án giao thông trọng điểm là cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban, sẽ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ đầu tư xây dựng theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là các nhiệm vụ quan trọng cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngay những ngày đầu năm. Hiện một số Bộ ngành đang rốt ráo thực hiện các giải pháp để lên dây cót cho việc giải ngân sớm.

Nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Đẩy nhanh nhiệm vụ giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Bộ GTVT vừa quyết định điều chuyển dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E, đi qua tỉnh Quảng Nam từ Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sang cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban 4 tiếp nhận. Một dự án nữa là cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì cũng được chuyển từ Ban quản lý dự án 2 sang cho Ban quản lý dự án đường thuỷ làm chủ đầu tư.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc điều chuyển này nhằm giảm sự dàn trải trong công việc của các đơn vị, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Thanh Duy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT cho hay: "Chúng tôi triển khai kế hoạch năm 2022 với tinh thần từ sớm, từ xa và bằng các giải pháp như quán triệt bằng được tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến từng cán bộ công chức, ban quản lý dự án, công trường, xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án từng gói thầu, quy định cụ thể cá thể hoá trách nhiệm người đứng đầu đối với tất cả các cá nhân tham gia".

Giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam cũng vừa được Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị bên dưới rà soát, xây dựng giải pháp rút ngắn tiến độ các dự án thành phần khoảng 3 tháng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, xây dựng lại tiến độ giải ngân phù hợp với tiến độ thi công điều chỉnh.

Còn với các dự án đầu tư hạ tầng nằm trong gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã đôn đốc các bộ ngành, địa phương rà soát và gửi đề xuất bổ sung vốn để làm cơ sở trình Chính phủ, Thủ tướng Chinh phủ xem xét giao vốn, sớm thực hiện và giải ngân.

 

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Các dự án được giao bổ sung này phải có khả năng thực hiện giải ngân rất là nhanh cho năm 2022 để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao bổ sung. Chính vì vậy công tác rà soát cũng như công tác lập kế hoạch về mức vốn cụ thể của các Bộ, ngành địa phương là rất quan trọng".

Trong gói 350 nghìn tỷ đồng cho phục hồi phát triển kinh tế xã hội, có gần 114 nghìn tỷ là dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Việc các Bộ, ngành địa phương sớm xắn tay vào nhiệm vụ giải ngân hiệu quả nguồn vốn này sẽ góp phần quan trọng khơi thông các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển của cả nước.

Sớm ban hành bộ tiêu chí thực hiện chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam

Một số giải pháp như điều chuyển dự án, yêu cầu rút ngắn tiến độ đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã được đặt ra. Còn với giai đoạn 2 của dự án trọng điểm quốc gia này, Chính phủ cũng đã có chủ trương sẽ thực hiện cả 12 dự án thành phần theo hình thức chỉ định thầu, với mục tiêu rút ngắn được khoảng 6 tháng so với việc tổ chức đấu thầu.

Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT phải hoàn thiện các thủ tục để có thể triển khai ngay dự án trong năm nay. Theo đại diện các nhà thầu xây dựng, để phát huy hiệu quả, Bộ GTVT cần đưa ra các phương án đảm bảo vừa nhanh vừa minh bạch.

 

Nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Cần sớm ban hành bộ tiêu chí thực hiện chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV

Quyết định chỉ định thầu đối với giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ dự án được nhiều nhà thầu xây dựng đồng tình. Tuy nhiên, họ cho rằng, Bộ GTVT cũng cần nhanh chóng ban hành công khai bộ tiêu chí lựa chọn nhà thầu. Nếu không thời gian rút ngắn được từ việc chỉ định thầu sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng lựa chọn xong nhà thầu nhưng đến khi bắt tay vào công việc lại nảy sinh các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, một cơ chế thưởng phạt phân minh cũng cần được đưa ra ngay từ đầu.

Giai đoạn 2 của cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng. Tổng chiều dài gần 730 km. Các dự án thành phần hoàn thành trước có thể được đưa vào vận hành khai thác độc lập. Do vậy, càng triển khai sớm ngày nào càng đem lại hiệu quả lan toả sớm ngày đó.

Hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

 

Gần 730 km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khi hoàn thành sẽ nối liền với hơn 650 km của giai đoạn 1 để hình thành nên một tuyến cao tốc phía Đông hoàn chỉnh. Đây được đánh giá sẽ là tiền đề quan trọng tạo sự liên kết giữa nhiều địa phương, hình thành các trục tăng trưởng mới cho kinh tế cả nước.

Theo Bộ GTVT, đến năm 2025, gần 1.400 km đường cao tốc Bắc - Nam sẽ cơ bản hoàn thành, tạo thành trục giao thông mới thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đến năm 2025, riêng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ có thêm 300 km đường cao tốc nữa. Cùng với sân bay Long Thành tạo tiền đề để các địa phương tiếp tục đầu tư kết nối vùng.

Năm nay, áp lực giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm, nhằm tránh tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm tất tả" như giai đoạn trước.

Đồng thời, việc quản lý đầu tư công cũng đã được phân cấp, phân quyền cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Các giải pháp này được triển khai hiệu quả sẽ là trợ lực quan trọng để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm