Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Ba Lan lên 5 tỷ USD vào 2030
21 trường hợp gia vị xuất xứ Việt Nam bị châu Âu cảnh báo / Du lịch Đà Nẵng xúc tiến 'hút' khách từ các thị trường trọng điểm
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan của phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, suốt thập kỷ vừa qua, không có nhiều quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU) duy trì liên tục đà tăng trưởng thương mại hai chiều thường xuyên ở mức 2 con số với Việt Nam như Ba Lan.
Trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ba Lan tăng trưởng trung bình gần 40%/năm. Kết quả này đưa Ba Lan là bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam tại Trung Đông Âu, còn Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á.
Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu gần 25 tỷ USD và đang là thành viên đầy đủ của 17 Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh đang trải qua những biến động chưa từng có khi có xu hướng phân cực hóa về trật tự chính trị; đa dạng hóa về thị trường sản phẩm; xanh hoá về sản xuất kinh doanh; số hóa mọi hoạt động của con người, xã hội; cần khắc phục khó khăn, sớm tìm ra được “những chân trời hợp tác mới” cho quan hệ hai nước.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, phía Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA), qua đó tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong kỷ nguyên mới.
Vác doanh nghiệp Ba Lan, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2030.
Cùng với đó, Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Ba Lan đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của Ba Lan, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất và chế tạo công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và y tế, vận tải, tài chính và ngân hàng. Đồng thời, tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, củng cố các chuỗi cung ứng, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của các bên.
Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển của hai quốc gia. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Ba Lan nói riêng làm ăn kinh doanh, đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng GDP từ 8% đến 10% mỗi năm, tăng trưởng điện năng của Việt Nam phải đạt mức từ 12-16%/năm trở lên. Hiện nay, về nguồn, tổng công suất hệ thống điện đạt gần 80.000 MW, nhu cầu điện năng của Việt Nam đến năm 2030 sẽ cần gấp đôi công suất hiện tại, và đến năm 2050, con số này sẽ phải gấp 5 lần.
Tương ứng nguồn, hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất liên miền và nội miền đều phải được quan tâm đầu tư. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần 14-16 tỷ USD/năm, từ sau năm 2030 phải cần từ 16-18 tỷ USD/năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện.
Đây là những lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh với bề dày kinh nghiệm và công nghệ hiện đại. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực này thời gian tới.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng của Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh tại Ba Lan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 17/1/2025: Vàng miếng tiếp tục tăng
21 trường hợp gia vị xuất xứ Việt Nam bị châu Âu cảnh báo
TP Hồ Chí Minh: Không lo thiếu hàng, tăng giá dịp Tết Nguyên đán 2025
Sắp xuất bản lần 2 niên giám bất động sản công nghiệp Việt Nam
Đảm bảo nguồn cung, duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết
Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Ba Lan lên 5 tỷ USD vào 2030