Thị trường

Nợ xấu Nghị định 67 - Gian nan xử lý

Một thực tế hết sức nổi cộm lúc này chính là đã phát sinh những khoản nợ xấu từ vốn vay theo Nghị định 67. Những tàu cá 67 đang trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người.

Cách đây 5 năm, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chương trình tín dụng cho ngư dân vay vốn để hiện đại hóa tàu cá. Nhờ chương trình này, sau 5 năm, đội tàu khai thác xa bờ trên cả nước đã tăng thêm hơn 1.000 chiếc.

Ảnh minh họa

Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 đã đạt 10.270 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu đã bắt đầu phát sinh từ năm 2017 với tỷ lệ 3%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 17% và hiện tại xấp xỉ 28%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu vốn vay theo Nghị định 67 liên tục tăng trong 3 năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh ở nhiều địa phương ven biển trên cả nước. Có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan làm phát sinh nợ xấu trong vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Nhiều tàu cá kéo dài thua lỗ sau khi hạ thủy và đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ những trường hợp chủ tàu vay vốn cố tình dây dưa trong việc trả nợ.

Cách đây hai năm, khi nợ quá hạn, nợ xấu từ vốn vay theo Nghị định 67 bắt đầu phát sinh, đây cũng là lúc các cơ quan chức năng, ngân hàng đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý. Trong thực tế, việc xử lý nợ xấu gặp nhiều trắc trở. Thậm chí, có ngân hàng thừa nhận rằng việc thu hồi nợ 67 là một công việc gian truân.

Việc khởi kiện chủ tàu, thu hồi tàu cá được các ngân hàng cho là giải pháp cuối cùng. Nguyên nhân là do khi thu hồi khối tài sản là tàu cá, các ngân hàng lại phải tốn thêm nhiều chi phí trông coi, bảo quản tài sản. Trong trường hợp tìm được khách hàng mua lại tàu, số tiền thu về cũng rất thấp. Ở góc nhìn rộng hơn, thời gian thu hồi tàu cá cũng có nghĩa tàu cá nằm bờ và đó là sự lãng phí rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải chấm dứt tình cảnh tàu cá 67 với số vốn đầu tư tiền tỷ lại phải nằm bờ, trong khi cả chủ tàu lẫn ngân hàng đều loay hoay trước những khoản nợ quá hạn. Để làm được điều này cần phải tháo gỡ ngay những vướng mắc đang phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, trong đó bắt đầu từ việc kiểm soát thu nhập chuyến biển của những chủ tàu có vay vốn theo Nghị định 67.

Tấn Quýnh - Phạm Việt/VTV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo