Nông nghiệp vẫn còn thiếu các 'hạt nhân' phát triển kinh tế
Cần giải pháp căn cơ để DN mạnh dạn đầu tư
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngày 6/11, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) nêu vấn đề: Ngày 17/4/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 210. Trong giải pháp năm 2020 có nêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
“Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị nông sản và phát triển thị trường. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các DN tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nào để cho các DN đủ mạnh, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này? Bởi vì Bộ trưởng có báo cáo là chỉ có 8% DN đầu tư vào lĩnh vực này”, bà Phạm Thị Thu Trang đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sự thay đổi nghị quyết nhằm mục đích khuyến khích nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các DN tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp, bởi vì chúng ta coi DN cùng với hợp tác xã là hạt nhân trong liên kết để tạo thành chuỗi sản xuất lớn. Sau khi Nghị định được ban hành, tất cả các tỉnh, thành phố đều tập trung triển khai. Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua số DN đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 DN đến nay đã có 11.800 DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, đó là một thành công bước đầu.
Một thành công nữa là hầu hết các tập đoàn lớn đã hướng đến khu vực nông nghiệp, từ TH, Vinamilk, Vingroup, FLC và một loạt DN lớn khác đã hướng vào phân khúc thuộc khu vực nông nghiệp, tạo thành hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học, công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa. Những DN này rải khắp các vùng miền, trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp đến chế biến và tổ chức thương mại.
"Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận số liệu này chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi đến nay, 11.800 doanh nghiệp cộng với 49.000 DN gián tiếp thì khu vực nông nghiệp mới chỉ có 8% trong tổng số 750.000 DN của Việt Nam, như vậy con số này còn ít so với sự cần thiết để DN trở thành hạt nhân cho 8,6 triệu hộ nông dân", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích: “Nếu chúng ta có được những khung khổ pháp lý tốt, đặc biệt là hướng đầu tư công-tư, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có tiếp một làn sóng đầu tư của các DN vào khu vực nông nghiệp vốn rất khó khăn nhưng vẫn còn dư địa”.
Cần cố gắng trong công nghiệp phụ trợ
Trong nội dung trả lời chất vấn hôm nay (6/11) Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nêu về vấn đề phát triển chế biến: “Vừa rồi Long An đã thu hút một nhà máy chế biến cây ăn quả, vừa khánh thành năm ngoái, không chỉ thu hút sản phẩm cho tỉnh Long An mà còn cho các vùng lân cận. Tháng 8 vừa qua, một nhà máy của Tập đoàn Massan đã được khởi công, tập trung đầu tư tới 1.100 tỷ, với công suất 1,4 triệu con lợn được giết mổ và chế biến ra khoảng 30 sản phẩm. Dự kiến sang năm sẽ khánh thành”.
Trao đổi về khó khăn về nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp liệu có gây cản trở cho DN sản xuất nông nghiệp, vị tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định: “Tất cả các vật tư, từ phân bón đến giống thủy sản, giống cá, giống tôm, giống lúa… về cơ bản Việt Nam đủ sức để các DN, các trung tâm khoa học cung ứng cho bà con sản xuất. Tôi thấy rằng hiện nay chúng ta đảm bảo được về căn bản cho những nhu cầu trên phổ rộng”.
Cũng trong phiên chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu thêm vấn đề về chính sách hiện nay để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và công nghệ cao nói riêng. Các chính sách về thu hút đầu tư của các DN trong các lĩnh vực này đến nay đã tương đối đầy đủ, thể hiện qua Nghị định số 57 ngày 14/4/2018. Hiện nay các bộ, ngành đang triển khai rất tích cực để xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể và vừa qua cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 ngày 17/7/2019, hiện nay đang triển khai tiếp các chính sách của Nghị định số 57.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 chức năng chính. Thứ nhất, chúng tôi là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định 57. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng để rà soát quá trình triển khai giải pháp đã quy định trong Nghị định số 57 và Nghị quyết 53. Thứ hai, sẽ bố trí xây dựng để tham mưu, bố trí các nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới. Vừa qua chúng ta chưa triển khai được vấn đề này vì chính sách mới ban hành. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, chúng ta đã thông qua và triển khai ở giai đoạn cuối. Như vậy, tất cả chính sách cần phải đầu tư theo Nghị định số 57 sẽ được triển khai vào giai đoạn sắp tới 2021-2025. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương và theo các chính sách của Nghị định số 57, xây dựng các chương trình, dự án cho giai đoạn sắp tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo