Thị trường

Nông sản mất giá vì thiếu chuỗi giá trị

Gạo Việt Nam xuất khẩu mỗi năm 5 – 7 triệu tấn, luôn đứng ở vị trí hàng đầu nhưng giá trị lại thường thấp nhất nhì thế giới. Nguyên nhân là hầu hết lượng gạo xuất khẩu vẫn chế biến từ lúa ngoài các mô hình liên kết.

Sự thua thiệt của ngành lúa gạo cũng là thực trạng chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. Liên kết, xây dựng chuỗi giá trị luôn được xem là chìa khóa để nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, các mô hình liên kết trên thực tế vẫn còn khiêm tốn, không thể nhân rộng, thậm chí như mô hình cánh đồng lớn đang ngày càng thu hẹp.

Khó nhân rộng mô hình hay

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước đã có 2.975 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 doanh nghiệp (DN). Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.254 chuỗi được chứng nhận, với 1.452 sản phẩm (chủ yếu tập trung vào các loại rau, củ, quả, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu…).

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cũng cho hay đến hết tháng 9/2019 có 1.478 mô hình chuỗi (tăng 660 mô hình so với cùng kỳ năm 2018),1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, trên 25,5 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các bộ ngành, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn bộc lộ một số hạn chế. Khả năng liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều. Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết còn phổ biến dẫn tới sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Việt Nam có diện tích đất trồng lúa khá lớn, sản lượng lúa thu hoạch hàng năm khoảng trên 40 triệu tấn. Gạo XK của Việt Nam hàng năm 5 – 7 triệu tấn, luôn đứng ở vị trí hàng đầu, nhưng giá trị thì thường thấp nhất nhì trên thế giới. Gần 20 triệu nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất chiếm 99% số lượng gạo XK của cả nước, năm nào cũng thấp thỏm lo âu về đầu ra của lúa, gạo không ổn định.

Các cấp các ngành, DN, nông dân cũng đều công nhận chỉ có mô hình cánh đồng lớn liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ giữa DN với nông dân là giải pháp duy nhất để ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh được với các sản phẩm gạo của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Bình cho hay rất tiếc là hầu hết lượng gạo XK 5 – 7 triệu tấn vẫn chế biến từ lúa ngoài mô hình…, mà lúa ngoài mô hình thì chất lượng, giá trị gạo rất thấp, đầu ra không ổn định. Điều này khiến ngành hàng lúa gạo Việt Nam mất đi mỗi năm tối thiểu 2 tỷ USD, nhưng ít ai tính đến.

“Như vậy, từ Trung ương đến địa phương, từ DN đến nông dân đều rất cần mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị này. Nhưng mô hình đúng đắn, hiệu quả và cần thiết này không phát triển nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây, diện tích cánh đồng lớn liên kết ở các địa phương ngày càng thu hẹp dần”, ông Bình nhấn mạnh.

Mô hình cánh đồng lớn liên kết cần thiết và hiệu quả nhưng vẫn khó nhân rộng

Thiếu vốn, thiếu cơ chế

Vì sao mô hình cánh đồng lớn liên kết cần thiết và hiệu quả như vậy, về pháp lý cũng đầy đủ mà sao không mở rộng diện tích ra được? Ông Bình cho rằng nguyên nhân là chuỗi liên kết thiếu vốn: nguồn lực chính để thực hiện (vốn trung, dài hạn để lắp đặt máy sấy lúa và lắp silô chứa lúa); vốn ngắn hạn để ứng vật tư đầu vụ và thanh toán tiền cho nông dân khi thu hoạch. Đây là 2 hạng mục vốn không thể thiếu được khi thực hiện dự án “liên kết theo chuỗi giá trị”.

Vì vậy, giải pháp để ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung phát triển bền vững và tham gia hội nhập toàn cầu là DN có đủ vốn để thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết, được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt dự án theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định.

Theo đại diện DN Trung An, Bộ NN&PTNT cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về cơ chế thực thi công vụ cho bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành khi thực thi nhiệm vụ của mình trong “chuỗi liên kết” để các thể chế đã ban hành đi vào cuộc sống một cách rộng lớn và nhanh chóng chứ không quá ít và chậm như hiện nay.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp – Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi. Nhiều DN nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho DN nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) nhằm hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bộ NN&PTNT, để có thể tổ chức sản xuất theo chuỗi, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, chế biến, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi, tập trung xây dựng môi trường thể chế lành mạnh, trong đó ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 để số hóa toàn bộ quá trình liên kết; tăng cường công tác truyền thông. Tập trung tuyên truyền và nhân rộng các mô hình tốt, liên kết hiệu quả, bền vững; thực hiện dồn điền đổi thửa, phát triển thị trường đất đai để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai trong điều kiện nguồn lực này ngày càng thu hẹp.

Đại diện Cục KTHT&PTNT cũng kiến nghị cần rà soát, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về các cơ chế, chính sách như tiếp cận vốn tín dụng; chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; miễn thuế thu nhập DN đối với doanh thu phục vụ thành viên của HTX. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Ông Hà Công Tuấn -Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

DN là lực lượng tiên phong trong các mô hình liên kết với người dân. Chính DN là lực lượng thâm nhập thương trường quốc tế, hiểu được quy định quốc tế, từ đó quay trở lại hướng dẫn người dân sản xuất, chế biến, đóng gói và giúp bao tiêu sản phẩm. Sự liên kết, hợp tác đó là rất cần thiết và phải đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hơn nữa và đặc biệt là hướng tới sản xuất nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc và có giá trị gia tăng cao hơn.

Ông Phạm Thái Bình -Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệpCông nghệ cao Trung An

Chỉ sau 3 – 5 năm nếu DN được vay đủ vốn để thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết, ngành hàng lúa chắc chắn sẽ phát triển bền vững ổn định; mỗi năm XK gạo của Việt Nam còn thu thêm được không dưới 2 tỷ USD so với giá trị XK gạo hiện nay trên cùng số lượng. Đặc biệt, khách hàng trên thế giới phải chủ động đến đặt hàng của Việt Nam, chứ không phải các DN Việt Nam phải hạ giá và tranh nhau bán hàng như hiện nay.

Ông Park Hyang Jin -Tổng giám đốc công tyTNHH Dreamfarm (Hàn Quốc)

Điểm yếu nhất của DN nông nghiệp Việt Nam là công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, thêm vào đó là sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước còn chưa phát huy tác dụng, đồng thời sự liên kết giữa các DN để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.

Theo Lê Thúy/Thời báo kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo