Nông sản rõ 'lai lịch' rộng đường xuất khẩu
Từ năm 2018, Trung Quốc đã yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Để đáp ứng nhu cầu trên, Cục BVTV đã cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói, đồng thời tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của địa phương.
Cấp mã vùng trồng ở vùng cây ăn trái
Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vĩnh Long có gần 44.500 ha trồng cây ăn trái. Đến thời điểm hiện nay, có 113,14 ha được cấp mã số vùng trồng trên các loại cây trồng xoài (30,64 ha), chôm chôm (11,6 ha), bưởi (50 ha) và nhãn (20,9 ha). Tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái có quy mô khá lớn. Tuy nhiên, việc sản xuất còn nặng về số lượng hơn chất lượng.
Để được cấp mã số vùng trồng nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Việc cấp mã vùng trồng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Mã số vùng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó.
Việc cấp mã số chứng minh sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của trái cây trước thu hoạch. Đây cũng là nội dung của hồ sơ hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần.
Tỉnh Vĩnh Long có 3 HTX, 4 tổ hợp tác xoài được cấp mã số vùng trồng (mã code) để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Các HTX này tập trung ở các xã Quới An, Quới Thiện, Trung Chánh, Tân Phú, Tân Quới Trung (Vũng Liêm).
Xoài cát núm của Vĩnh Long được sản xuất theo chuẩn GAP nên bán được giá. Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức buổi lễ ký kết với các công ty chuyên xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ như Green Path, Vina T&T mở ra kỳ vọng trái xoài Vĩnh Longở Mỹ.
Anh Trần Văn Đằng, Giám đốc HTX Xoài cát núm Quới An (huyện Vũng Liêm) cho biết: HTX đang sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 47ha. Xoài của HTX đã được cấp mã số vùng trồng, bà con rất yên tâm sản xuất.
Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long đã phát triển phần mềm AgriVinhlong1 để giúp thương lái có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh. Nhóm ứng dụng phần mềm gồm10 người, trong đó 2 tiến sĩ về từ Mỹ, Pháp (quê Vĩnh Long) đã tự nguyện lập nhóm hỗ trợ công nghệ giúp nhà nông làm hàng xuất khẩu theo chuẩn GAP.
TS Huỳnh Kim Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long cho biết: "Tinh thần của nhóm là ứng dụng công nghệ số hỗ trợ HTX thực hiện CSR (trách nhiệm xã hội), hướng bà con tới việc tạo ra giá trị khác biệt để hàng hóa tiêu thụ thuận lợi, người dùng yên tâm hơn.
Bây giờ nhà vườn có app để theo dõi thông tin liên quan tới mình. Còn hai tuần nữa là tới đợt thu hoạch xoài, tải app AgriVinhlong1 sẽ biết danh sách HTX, tên nông dân, diện tích, sản lượng dự kiến hiện lên màu đỏ", TS Định nói thêm.
Tại Đồng Tháp, ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh này, cho biết: Thời gian qua, đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tập huấn cho nhiều nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có 15 khu vực trồng xoài trên 487 ha được cấp mã vùng sản xuất. Thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp tập huấn mở rộng vùng nguyên liệu được cấp mã số.
Để được cấp một mã số vùng trồng diện tích tập trung từ 10 ha trở lên. Mỗi khu vườn được cấp mã số đều phải được định vị tọa độ. Đây là chứng từ để chứng minh chất lượng sản phẩm. Trong vùng trồng phải có sổ nhật ký ghi chép sản xuất rõ ràng. Đồng thời, có một khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV.
Riêng TP Cần Thơ có tổng diện tích trồng cây ăn trái hơn 18.466 ha, tăng 556 ha so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn thành phố có hơn 101 ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các hợp tác xã và tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP, với các loại xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực hướng dẫn nông dân sản xuất theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Đồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.
Phải thay đổi tư duy
Chuyên gia marketing, ông Michel Delafon, Giám đốc điều hành Cty TNHH Michel Delafon B2B cho rằng: Truy xuất nguồn gốc nông sản có tầm rất quan trọng hiện nay. Ông Michel Delafon lấy hình ảnh con cá mập so sánh, nếu nuôi trong hồ nó mãi nhỏ bé, chỉ khi ra được đại dương mới lớn mạnh. Trong sản xuất, kinh doanh cũng vậy, cần mạnh dạn thay đổi, vươn ra biển lớn để ngày càng lớn mạnh.
Ông Michel Delafon, ví dụ về 2 mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh là hồ tiêu và tôm nuôi. Tuy nhiên, giá hạt tiêu đang ở mức rất thấp, trong khi chi phí lại có chiều hướng tăng. Năm 2019, được đánh giá là rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán thấp, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Còn con tôm thì Việt Nam là nước nuôi lớn thứ 2 thế giới và đã xuất đi hơn 100 quốc gia, kim ngạch đạt 3,55 tỷ USD (năm 2018). Tuy nhiên, giá tôm khó có khả năng tăng cao do nguồn cung dồi dào.
ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có các sản phẩm được xác định là chủ lực và có lợi thế, như sản lượng lúa gạo 4 triệu tấn/năm, thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc. Muốn như vậy phải liên kết với doanh nghiệp. Trong đó, phải xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ tốt hơn.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Để nông sản trong nước xâm nhập mạnh vào các thị trường trên thế giới và bán được giá cao, đòi hỏi nông sản phải sản xuất theo hướng VietGAP hay GlobalGAP. Do đó phải thay đổi thói quen sử dụng phân, thuốc hóa học sang sinh học. Thời gian tới, Cục BVTV cũng sẽ loại bỏ dần 14 hoạt chất trong thuốc BVTV lưu hành tại Việt Nam với hơn 1.006 tên thuốc không đúng với quy định quốc tế.
Hiên cả nước có hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc BVTV, với hơn 30.000 đại lý kinh doanh VTNN để phân phối thuốc BVTV, trong đó ĐBSCL tỷ lệ đại lý chiếm cao nhất cả nước. Bình quân, hàng năm Việt Nam nhập 100.000 tấn thuốc BVTV tương đương khoảng 1 tỷ USD để kinh doanh, sản xuất trong nước và xuất khẩu thuốc BVTV sang các nước trong khu vực Châu Á.
Bộ NN-PTNT luôn khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV theo"4 đúng", trong đó sử dụng thuốc sinh học cho cây trồng rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV không theo bốn đúng. Để làm ra nông sản an toàn trước mắt phải thay đổi tư duy.
Đổi vỏ chai thuốc BVTV đã sử dụng lấy dầu ăn
Hiện nay, trên tuyến đường hoa Sa Nhiên, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) được bố trí các thùng rác để đựng các vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng, tránh vứt bừa bãi làm mất vẻ mỹ quan tuyến đường hoa và ảnh hưởng đến môi trường. Những vỏ chai này được tập kết về nhà máy để tiêu hủy theo đúng quy định.
Trước đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn cách súc rửa, bao gói chai, lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng để nâng cao ý thức của các hộ trồng hoa kiểng trong việc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp tổ chức mô hình quản lý bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng trên hoa kiểng với 100 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình vừa qua đã đem vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng đến để đổi lấy những phần quà như dầu ăn, đường, sữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo