Thị trường

Phát triển HTX ở Bắc Giang

Tính đến hết tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 701 HTX, với 35.105 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ là 1.495 tỷ đồng. Doanh thu bình quân năm của các HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Từ đầu năm đến nay, Bắc Giang có 67 HTX thành lập mới, trong đó nông nghiệp là 48 HTX, phi nông nghiệp là 19 HTX, đạt 300% mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 09/ NQ-BCH ngày 20/1/2019 của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam và Kế hoạch phát triển KTTT giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh Bắc Giang. Các HTX thành lập mới phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, các địa bàn, đáp ứng nhu cầu của thành viên và phù hợp xu thế phát triển chung của xã hội.

Nhiều đột phá

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang - ông Nguyễn Đức Hiền, cho biết số lượng HTX thành lập mới tiếp tục tăng cao, hoạt động của các HTX tiếp tục được củng cố và ngày càng hiệu quả hơn, có sự đổi mới về nội dung, mô hình tổ chức phù hợp với quy định của Luật HTX 2012 và nhu cầu thực tiễn trong sản xuất kinh doanh. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX dần được trẻ hóa, năng động, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành HTX.

Số HTX hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng dịch vụ, ngành nghề; chủ động tiếp cận cơ chế, chính sách và phát huy nội lực để phát triển. Mô hình HTX kiểu mới phát triển mạnh ở các làng nghề, sản phẩm của HTX gắn với thương hiệu làng nghề. Nhiều HTX là địa chỉ tin cậy để khách hàng liên kết đưa sản phẩm đi khắp cả nước, xuất khẩu nước ngoài, phù hợp yêu cầu sản xuất trong tình hình mới. Đặc biệt, các HTX hoạt động theo hướng phục vụ nhu cầu thị trường, đi sâu vào chất lượng, nâng cao hiệu quả, đa dạng, phong phú hơn về chủng loại sản phẩm.

Sau 2 năm thực hiện Đề án Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2018 với 4 sản phẩm là: Nấm ăn, mỳ Chũ, thịt lợn sạch và rau an toàn. Đến nay, một số mô hình HTX hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ các sản phẩm ra thị trường, tạo chỗ đứng nhất định, như: HTX Rau sạch Yên Dũng, HTX Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng); HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3, HTX Trường Thành (Hiệp Hòa); HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Mộc, HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước, HTX mỳ Chũ Bắc Giang Tùng Chi (Lục Ngạn); HTX Phát Huy (Yên Thế)…

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều HTX làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau, tham gia sản xuất tập trung có liên kết với doanh nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của các HTX tỉnh Bắc Giang bên lề Hội nghị liên kết, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang với các tỉnh, thành phố năm 2019

Cần những giải pháp đồng bộ

Số HTX làm các dịch vụ tổng hợp có xu hướng tăng, hoạt động hiệu quả hơn. Mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến việc bao tiêu sản phẩm đầu ra theo hợp đồng liên kết chặt chẽ. Một số HTX có các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, tiềm năng được tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu đối với sản phẩm OCOP.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song theo ông Nguyễn Đức Hiền - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, số lượng HTX tuy tăng cao, chất lượng hoạt động của nhiều HTX được nâng lên, nhưng chưa vững chắc. Trình độ tổ chức, năng lực quản lý trong các HTX nhìn chung còn yếu. Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp, chưa có sự liên kết chặt chẽ thành hệ thống trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Vẫn còn những HTX thành lập hoặc chuyển đổi mang tính hình thức, theo phong trào nên lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ, đặc biệt là HTX nông nghiệp vẫn chủ yếu theo quy mô hộ gia đình và sản xuất sản phẩm đặc thù mang tính chất kinh tế hộ, chưa có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất chung của đại đa số các hộ dân, tài sản có giá trị thấp, mặt bằng chủ yếu đi thuê, mượn...

Một số Liên hiệp HTX chưa phát huy tốt vai trò của mình trong chỉ đạo các HTX thành viên triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, chưa tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn những bất cập và cần những giải pháp đồng bộ, căn cơ để tháo gỡ.

“Chúng tôi kiến nghị Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo để tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn vay về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sớm ban hành Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để thống nhất tổ chức và hoạt động trên cả nước. Xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với các HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, ông Hiền nhấn mạnh.

Theo Phương Nam/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo