Quản lý nhà thuốc thời 4.0
Lâm Đồng nỗ lực triển khai
Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kết nối cơ sở cung ứng thuốc, nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, một cách nghiêm túc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "vi hành" một số nhà thuốc tại TP. Đà Lạt
Theo đó, cơ sở bán lẻ thuốc (đối với nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã từ ngày 1/1/2019, quầy thuốc từ ngày 1/1/2020) phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, để thực hiện đúng lộ trình, đơn vị đã xây dựng kế hoạch một cách bài bản. Đồng thời phối hợp với Viettel Lâm Đồng tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc đến từng nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc và các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 800 cơ sở bán lẻ thuốc. Trong đó, 170 nhà thuốc, còn lại là quầy thuốc và đại lý thuốc. Đến nay, đã cài đặt phần mềm được 84 nhà thuốc, có 14 nhà thuốc đã nhập liệu.
Phó Thủ tướng trao đổi với các chủ nhà thuốc về việc áp dụng CNTT vào quản lý nhà thuốc
Theo Bác sỹ Trịnh Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, mục tiêu của kế hoạch là kết nối liên thông từ nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trong tỉnh đến Cục quản lý Dược (Bộ Y tế).
“Để thực hiện hiệu quả việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Y tế đã đề xuất tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ về trang thiết bị phục vụ việc kết nối cho các cơ sở có quy mô nhỏ, cơ sở thuộc diện vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí trong công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức cho người dân trong việc sử dụng thuốc kê đơn”, ông Quyết nhấn mạnh.
Lợi nhiều mặt
Sau khi “vi hành” một số nhà thuốc trên địa bàn TP. Đà Lạt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và ngành y tế địa phương cũng như các doanh nghiệp, nhà thuốc trong việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, hướng đến sự công khai, minh bạch và sự hài lòng của khách hàng, bệnh nhân.
“Công nghệ 4.0 này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận, thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng CNTT, các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn,…nhằm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý, bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe cho người dân.
"Test" thử phần mềm kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Nhà thuốc Nhân Hoà 2
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, chị Phạm Hà Thuỷ Anh, chủ hệ thống Nhà thuốc Nhân Hoà (TP. Đà Lạt),cho biết, lâu nay, nhà thuốc của chị cũng đã áp dụng phần mềm quản lý nhà thuốc và khoảng 1 tháng nay bắt đầu áp dụng thêm phần mềm do ngành y tế khuyến cáo.
“Chúng tôi hết sức ủng hộ việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, để việc quản lý, kinh doanh, mua bán thuốc được tốt hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng phần mềm này cần phải có lộ trình phù hợp để chuyển giao và sử dụng thống nhất một cách hợp lý. Nhất là việc tính phí sử dụng, cần phải cho nhà thuốc sử dụng miễn phí trong thời gian đầu để làm quen và chuyển giao dần từ hệ thống cũ sang mới”, chị Thuỷ Anh chia sẻ.
Cách mạng 4.0 của Bộ Y tế Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc đã được thí điểm ban đầu với 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc. Ngoài giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, thì cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.
Đồng thời, đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines