Thị trường

Quảng Bình: Nhân rộng mô hình nuôi ốc hương ở vùng ven biển

Sau nhiều năm bôn ba, anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã quyết định trở về quê lập nghiệp. Năm 2009, anh mạnh dạn đấu thầu 8.000 m2 đất của địa phương ở vùng ven biển để đầu tư nuôi tôm. Đến năm 2017, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, anh Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi ốc hương.

Mô hình nuôi ốc hương của anh Phạm Văn Nghĩa ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch, Quảng Bình). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là dự án nuôi ốc hương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được Trung tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, một phần con giống và thức ăn. Mô hình thành công sẽ là điểm nhấn mở rộng cho những vùng ven biển có điều kiện tốt.

Ốc hương là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí mua giống khá lớn nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, đầu ra sản phẩm ổn định. "Theo lý thuyết, ốc hương thả nuôi từ tháng 1 thì đến tháng 10 là cho thu hoạch. Tuy nhiên, vào tháng thứ 9 là thu hoạch được. Khi thu hoạch, lựa chọn những con ốc to (loại 70-80 con/kg) để bán. Loại bé hơn được nuôi tiếp. Khi bạn hàng hoặc thương lái có nhu cầu là mình bán” - anh Nghĩa cho biết.

Mô hình nuôi ốc hương thu tiền tỷ của anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Những ngày đầu thử nghiệm, với loại vật nuôi mới lạ, vợ chồng anh Nghĩa không khỏi lo lắng và gặp nhiều khó khăn. Anh phải học tập nhiều nơi và nhờ sự trợ giúp của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Bình nên đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong các khâu xử lý ao hồ, gây tạo màu tảo, bảo đảm độ pH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước… Ốc hương là loài ốc biển, trên địa bàn Quảng Bình không có giống nên anh Nghĩa phải mua từ các cơ sở chất lượng cao ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Anh Nghĩa cho biết: Từ lúc thả cho đến khi ốc hương được 3 tháng, thức ăn phải chọn các loại tôm tươi, sạch và bóc vỏ. Sau nuôi được 3 tháng, ngoài tôm tươi, còn phải bổ sung thêm các loại cá biển tươi. Nếu sử dụng thức ăn như tôm, cá không tươi thì ốc sẽ sinh bệnh ngay.

Mô hình nuôi ốc hương thu tiền tỷ của anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, với sự phát triển của mô hình và hiệu quả mang lại, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng để người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh việc nuôi ốc hương đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình không dễ dàng vì khí hậu nhiều nắng và nhiều mưa nên phải thật kiên nhẫn mới có thể thành công. Trời quá nắng thì nước trong hồ nóng nên phải làm dịu nước để ốc không bị chết. Trời mưa nhiều thì nước sẽ bị ngọt quá cũng khiến ốc chết. Do đó việc điều tiết nước là một khâu quan trọng trong quá trình chăm sóc ốc hương.

Hiện nay, gia đình anh Nghĩa có 4 hồ nuôi, diện tích 1.500m2/hồ. Qua 2 vụ, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao. Năm trước, sản lượng đạt 15 tấn, gia đình anh thu lãi 1,5 tỷ đồng từ ốc hương. Sắp tới, anh sẽ mở rộng thêm 4 hồ nữa để tăng sản lượng và thu nhập. Trang trại của anh Nghĩa tạo việc làm quanh năm cho 6 đến 10 lao động, thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng.

Theo Đức Thọ/Dân tộc và Miền núi

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo