Thị trường

Quảng Bình: Nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả khá

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình vừa tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi tại huyện Bố Trạch.

Mô hình nuôi tôm càng xanh ở huyện Bố Trạch.

Trong năm 2018, Trung tâm đã triển khai nuôi thử nghiệm tôm càng xanh ở vùng phá Hạc Hải của 2 xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) và Võ Ninh (Quảng Ninh). Thực tế thử nghiệm cho thấy, tôm càng xanh thích nghi tốt với khí hậu địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Để khuyến cáo người dân chuyển đổi vùng đất nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh, năm 2019, Trung tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Đồng Trạch (Bố Trạch). Sau khi thẩm định thực tế địa điểm nuôi, Trung tâm ký hợp đồng trực tiếp với hộ ông Trần Văn Nghĩa (quy mô 12.000m2) và hộ ông Phan Văn Thanh (quy mô 7.000m2).

Điểm nuôi là vùng chiêm trũng nhiễm mặn, trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả thấp. Cán bộ kỹ thuật Trung tâm hướng dẫn bà con tiến hành bơm cạn, tu sửa bờ ao, cống thoát nước, vét bớt lớp bùn đáy và để lại phần cỏ năn để tôm lên trú ẩn, bắt và diệt ốc, diệt cá tạp bằng thuốc Saponin, bón vôi khử trùng. Sau 4-5 ngày, mới tiến hành cấp nước đã được lọc qua lưới lọc mịn cho ao. Khi các thông số, yếu tố môi trường ao nuôi bảo đảm, bà con mới tiến hành thả giống.

Giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viên Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (cơ cở sản xuất giống ở tỉnh Bạc Liêu). Sau 6 tháng thả nuôi, trọng lượng tôm thu hoạch trung bình khoảng 25 con/kg.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, năng suất mô hình nuôi tôm càng xanh ước đạt 1,5 - 1,7 tấn/ha. Với giá bán như hiện tại từ 200.000- 230.000đ/kg, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 130 triệu đồng/ha.

“So với trồng lúa, cũng như nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống khác thì nuôi tôm càng xanh hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn 2 đến 3 lần”, ông Nghĩa cho hay.

Theo Tâm Phùng/Thùy Trang/Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo