Quảng Bình: Vỡ nợ, 'lão khùng' biến đồi cát trắng thành trang trại bạc tỷ
Bén duyên với trang trại
Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, trên vùng đất cát xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có ngôi nhà giữa bao la cát trắng như tách biệt với bên ngoài. Đây là nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Bồn, sinh năm 1960 ở thôn 2, xã Trung Trạch. Ngôi nhà gác lửng kiên cố, ông Bồn bố trí vừa làm nhà ở vừa làm nhà kho, được bao quanh bởi những dãy cây xanh rợp bóng mát. Gió biển thổi qua mặt hồ cá thẳng vào nhà làm cho không khí trong lành hơn, cái nắng như đổ lửa dường như cũng dịu lại.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình, ông Bồn đang chuẩn bị pha thuốc vào bình để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. Tiếng ông vọng vào: “Đợt này, thị trường chăn nuôi lợn đang bị nhiều loại dịch bệnh nên phải phun khử trùng nhiều đợt hơn”.
Khi đã bớt công việc, ngồi bên ly trà, ông kể những ngày hai vợ chồng làm đủ thứ nghề rồi dắt díu nhau ra đây khai hoang lập nghiệp, dựng trang trại chăn nuôi.
Ông Bồn tham gia quân ngũ năm 1981, đến năm 1984 thì phục viên về địa phương làm ruộng cùng ba mẹ. Đến năm 1988 ông cưới vợ, hai vợ chồng cùng bàn tính, nghĩ cách để làm kinh tế chứ làm ruộng một vụ thì không đủ sống.
“Tôi đi miền Nam học tìm cách làm kinh tế, nhưng về quê lại không làm được nên chuyển sang làm thầu xây dựng. Được mấy năm, tôi lại mua xe ô tô tải để chạy chở vật liệu. Mua xe ô tô bị vỡ nợ nên đành bán xe. Hai vợ chồng cùng 2 đứa con lên miền núi xã Sơn Trạch kiếm kế sinh nhai....
Ở xã Sơn Trạch, năm 1998, tôi đóng thuyền đăng ký tham gia chở khách du lịch, còn vợ chụp ảnh. Một thời gian sau, tôi cùng một người bạn đóng thêm thuyền thứ 2. Nhưng số phận đưa đẩy thế nào, tôi giao lại 2 thuyền cho bạn quản lý, vợ chồng cùng con trở về quê làm ăn”, ông Bồn kể.
Tiếp mạch câu chuyện làm kinh tế, ông Bồn chia sẻ, nhận thấy trong thôn, đất đai ven biển còn rộng lớn, cây cối um tùm nên vợ chồng ông bàn nhau thuê đất của xã để ra chăn nuôi lợn. Để có vốn làm ăn, hai vợ chồng ông phải bán miếng đất cạnh đường Quốc lộ 1A gần thị trấn Hoàn Lão, vào thuê người khai hoang, lập trại.
Thời đó đất đai rộng, người dân không có suy nghĩ khai phá để làm ăn như bây giờ. Thấy ông ra vùng cát, không có đường đi lối lại, mùa hè thì có cát bỏng rát làm cháy cây cỏ, mùa mưa tất cả bị nhấn chìm ngập trong lũ lụt, người thân can ngăn, dân làng ái ngại, họ cho là ông bị “khùng” khi mạo hiểm trút bỏ gia tài để đầu tư vào chỗ này.
Gian nan không nản
Bắt đầu lập nghiệp với số vốn ít ỏi từ bán mảnh đất, hai vợ chồng ông Bồn chủ yếu dùng sức để khai hoang, làm chuồng trại chăn nuôi lợn, gà.
"Khi bắt đầu lập nghiệp có rất nhiều khó khăn khó vì lúc đó mấy ai dám đầu tư làm trang trại trên cát, tôi vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm", ông Bồn nói.
Từ năm 2002 đến nay, cuộc sống của gia đình ông bận rộn theo trang trại. Trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại, thiên tai bão lũ vùi dập, gây thiệt hại nặng nề; nhưng sau mỗi cơn bão, gia đình lại nén nỗi đau để khắc phục hậu quả do bão gây ra.
“Làm kinh tế nông nghiệp khi thăng, khi trầm; lúc gặp thời thì rớt giá, lúc giá cao thì không có bán. Nhưng vợ chồng tôi vẫn tâm niệm "một nghề cho chín còn hơn chín mười nghề", dù nhiều lúc khó khăn nhưng gia đình luôn đồng tâm hiệp lực, quyết tâm bám nghề, làm cho chắc chắn, thà làm ít nhưng làm hiệu quả”, ông Bồn nói.
Sau mỗi lứa lợn, lứa gà, ông Bồn lại mở rộng quy mô trang trại. Từ việc chỉ nuôi gà và lợn, nay trang trại của ông có thêm nuôi bò, thả cá, vịt, ngan, ngỗng…
Để chủ động trong phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, người con thứ 2 của gia đình đã tham gia học lớp chăn nuôi, thú y để áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi trang trại.
“Ngày trước theo các lớp tập huấn, rồi về làm theo kinh nghiệm là chủ yếu, khi có dấu hiệu dịch bệnh thì mới gọi cho thú y xã đến. Giờ trong nhà có con biết về kiến thức chăn nuôi, thú y nên cũng chủ động trong khâu phòng bệnh, từ đó việc chăn nuôi mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Bồn tự tin kể.
Làm trang trại ngày càng khắc nghiệt hơn, vì cạnh tranh trong nông sản ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn, áp dụng tiến bộ khoa học nhiều hơn. Trong đó, chủ trương làm nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp đổ tiền vào sẽ khiến cho các mô hình trang trại truyền thống gặp nhiều khó khăn. Xác định được hướng đi và tầm nhìn tương lai nên ông Bồn đã hướng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi.
Thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm
Giờ đây, sau gần 10 năm mạnh dạn đầu tư, nhìn vào thành quả của ông Bồn, không ai là không thán phục. Hiện tại, trang trại ông Bồn nuôi 1 chuồng 40 lợn nái, 300 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất khoảng 1.000 con lợn. Đàn bò 20 con nuôi vỗ béo, cứ lớn lên là ông cho bán để chăm sóc lứa bò mới. Đàn gà hơn 5.000 con với nhiều loại gà khác nhau: gà Đông Tảo, gà ta, gà lai…. mỗi năm xuất chuồng khoảng 1 vạn đến 2 vạn gà thịt cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.
Với khoảng 1,2 ha mặt nước, ông Bồn tập trung thả cá. Mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn cá, gia đình ông thu nhập gần 600 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Bồn còn là đại lý cung cấp gà giống cho một công ty lớn ở phía Bắc, mỗi năm phân phối hơn 100 vạn gà giống cho nông dân nhiều tỉnh miền Trung.
Ông Bồn chia sẻ thêm: “Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học, nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đến khâu chăm sóc và phòng tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng”.
Ông Bồn cho biết thời điểm này các đàn lợn đang bị lây lan bệnh dịch tả châu Phi nên đàn lợn nái của trang trại đẻ ra bao nhiêu ông để lại nuôi bấy nhiêu. Đàn lợn thịt cũng khó xuất chuồng hơn vì giá thành giảm, nhưng bù lại, giá gà và bò vẫn ổn định và có hướng tăng bù vào giá lợn nên nguồn thu từ trang trại không ảnh hưởng nhiều.
Hiện tại, ông Bồn đã cho đắp bờ kênh cao để chống lũ, đầu tư lắp hệ thống tưới tiêu tự động, đảm bảo không thiếu nước mùa hè, làm mát chuồng trại và hệ thống tưới đồng cỏ.
Trang trại của gia đình ông là địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình đến học tập kinh nghiệm. Ông cũng không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm của mình cho bà con các vùng phụ cận để giúp các hộ phát triển kinh tế.
Nói về trang trại tổng hợp của gia đình ông Bồn, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch, ông Nguyễn Minh Quang nhận xét: “Mô hình trang trại của gia đình ông Bồn là mô hình tiêu biểu của địa phương, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất cho thu nhập cao; đáng để bà con trong xã noi gương học tập. Chính quyền địa phương rất quan tâm và giúp đỡ hết sức, tạo điều kiện tốt nhất cho ông Bồn phát triển kinh tế. Với nhận thức phát triển kinh tế trang trại định hướng bền vững lâu dài, ông Bồn đã cho con trai đi học thú y để về phục vụ cho gia đình”.
Từ một người nông dân không cam chịu đói nghèo, ông Bồn đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu không ngừng nghỉ để có được thành quả như ngày hôm nay. Với thành công của trang trại, ông Nguyễn Văn Bồn đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là một trong những nông dân Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Trước đó, ông Bồn cũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành tặng thưởng, vinh danh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo