Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Gần 20 tỉnh, thành tham gia phiên chợ sản phẩm hợp tác xã tại Đà Nẵng / 5 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 11,1%
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 470 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay thuận lợi, thông thoáng hơn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ việc hoàn thuế GTGT cho người dân, doanh nghiệp, hoàn thành trước ngày 28/5/2023, thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễngiảm thuếphí.
Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ đã tập trung đi sâu vào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc chủ yếu hiện nay của doanh nghiệp như thiếu đơn hàng, thiếu vốn, và vướng mắc về hoàn thuế.
Thực hiện công điện này, trả lời phóng viên VTVmoney vào chiều 29/5, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Để tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thì ngoài các thị trường cũ, hiện nay Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với nhiều thị trường mới như UAE hay khối thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR. Nếu thâm nhập được vào các thị trường mới này thì doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiềuưu đãi thuế quan. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Những hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất truyền thống như tham dự hội trợ, triển lãm, các đoàn kết nối giao thương cũng sẽ được xúc tiến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về việc đơn giản hóa các thủ tục cũng như việc mà đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho thương mại là những việc mà Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là các cơ quan như Tổng cục Hải quan, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên môi trường để cố gắng làm sao các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được thực hiện một cách đơn giản và có thể đưa lên trên mạng để tăng tính công khai, minh bạch cũng như rút ngắn thời gian thực hiện cho các doanh nghiệp".
Ngoài tháo gỡ về đơn hàng, tìm kiếm thị trường thì doanh nghiệp cũng cần tháo gỡ về vốn vay. Thực hiện công điện của Thủ tướng, hiện nay các ngân hàng đã lên kế hoạch tiết giảm chi phí, để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, nỗ lực đẩy vốn rẻ ra thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhất là nhanh chóng triển khai các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng.
Ngành ngân hàng nỗ lực đẩy vốn rẻ ra thị trường
Không chờ tới đầu tuần này mà ngay sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước giữa tuần trước, một số ngân hàng này đã giảm thêm từ 0,5%-1%/năm với các khách hàng có dư nợ hiện hữu trong vòng 3 tháng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết: "Tổng lượng khách hàng thuộc đối tượng giảm là 83.000 khách hàng, tổng cộng 110 tỷ. Trước đây, trong 5 tháng đầu năm, ngân hàng đã thực hiện 13 chương trình giảm lãi suất cho khách hàng".
Đã có 2 đợt giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu, mức giảm 0,5%/năm với mức giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn đang thực hiện vai trò tiên phong nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vốn, đồng thời thực hiện các gói vay ưu đãi như 120.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh, nhận định: "Các hội viên Hiệp hội Ngân hàng đã có động thái rất tích cực để giảm chi phí của mình, đặc biệt là chi phí không thường xuyên để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giảm giá thành để có thể hỗ trợ doanh nghiệp cách tốt nhất".
Ngày 29/5, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại niêm yết biểu lãi suất mới với mức giảm phổ biến từ 0,3 - 0,5%, tối đa 0,7%/năm. Với độ trễ ít nhất 3 tháng để trung hòa giá vốn, dự báo sẽ có thêm đợt giảm lãi suất cho vay trong tương lai gần.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ đó là yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế triển khai hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện công điện, ngay lập tức Bộ Tài chính cũng có văn bản chỉ đạo Tổng cục Thuế và mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành công văn hỏa tốc gửi tới Cục thuế các địa phương yêu cầu thực hiện ngay việc hoàn thuế GTGT.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đang trong thời gian kiểm tra, xác minh thì phải thông báo cho người nộp thuế về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian sẽ giải quyết để đảm bảo công khai, minh bạch. Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì khẩn trương giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế, không cần phải chờ xác minh toàn bộ. Theo Tổng Cục Thuế, hiện nay hầu hết việc hoàn thuế GTGT đều được thực hiện qua phương thức điện tử với 80% số hồ sơ thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau đã được giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ. Chỉ còn lại khoảng 20% là số hồ sơ có dấu hiệu rủi ro cao, cần thời gian xác minh.
Khẩn trương thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết: "Chỉ hơn 20% thuộc diện kiểm trước và có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm, cần phải kiểm tra trước hoàn thuế. Với những hồ sơ này, tại công văn 299 chỉ đạo rõ ràng, với những hồ sơ thực diện kiểm trước thì phải bố trí hồ sơ đầy đủ làm việc để kết thúc công việc điều tra trong 40 ngày làm việc".
Như vậy, là dù các hồ sơ hoàn thuế cần kiểm tra, xác minh thì cũng sẽ được cơ quan thuế kết thúc để trả lời cho doanh nghiệp trong 40 ngày làm việc.
Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo nếu hồ sơ hoàn thuế GTGT nào đang có vướng mắc, phản ánh của các Hiệp hội, doanh nghiệp, thì phải tổ chức đối thoại ngay với Hiệp hội, doanh nghiệp trong 1 tuần tới , để làm rõ vướng mắc, kịp thời hướng dẫn xử lý. Động thái tích cực này của ngành thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Ông Lê Mạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty Leglor, TP. Hồ Chí Minh: Nếu được hoàn thuế thì đầu tiên chúng tôi trả nợ. Nợ ngân hàng, nợ người lao động. Khôi phục lại sản xuất bằng cách giao dịch lại vói khách hàng, đáp ứng những nhu cầu khách hàng đề ra để tái sản xuất. Cái đó là điều rất quan trọng"
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Thủ tục, quy trình hoàn thuế GTGT bên Thuế đang làm rất tốt, đương nhiên phải kiểm soát chặt chẽ vì quá khứ có những doanh nghiệp làm không lành mạnh. Bản thân doanh nghiệp cũng xem lại quy trình, hồ sơ đầy đủ chưa, thanh toán với nhà nhập khẩu rõ ràng chưa. Chính quyền cũng nên quan tâm, đánh giá được doanh nghiệp có lịch sử xuất khẩu tốt. Hoàn được 50% cũng là chia sẻ cho DN. Nếu không chúng ta làm từng bước, 30%, 70%, 100%".
Với những động thái tích cực trên của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều bày tỏ mong mong muốn rằng sẽ nhanh chóng tháo gỡ được những khó khăn cơ bản hiện nay về vốn, về đơn hàng, có động lực để phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động phức tạp như hiện nay, đồng thời giúp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo