Thị trường

Sản xuất công nghiệp quý I/2019: Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng

DNVN - Sản xuất công nghiệp quý I/2019 đạt mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không bứt phá mạnh mẽ như quý I/2018 nhưng vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn ngành kinh tế.

Diễn đàn “Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019”: Sự kiện đầu tiên, quy mô lớn nắm bắt xu hướng để nhận diện đúng cơ hội / Thủ tướng: Khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn về quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV

Thông tin này đã được Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 05/4. Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2019 ước tính tăng 27,6% so với tháng trước chủ yếu do có số ngày làm việc nhiều hơn (Tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán).
So với cùng kỳ năm trước, IIP tháng 3 tăng 9,1%, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông báo kết quả tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại quý I/2019.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông báo kết quả tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại quý I/2019.

Tính chung quý I/2019, IIP ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 4,8% của cùng kỳ năm 2016 và 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 11,1%, đóng góp 8,5 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,8 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%, đóng góp 0,2 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 2,1%, làm giảm 0,3 điểm % mức tăng chung.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chỉ số phát triển các ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm cơ bản đã bám sát kịch bản tăng trưởng do Bộ Công Thương xây dựng, trong đó ngành khai khoáng khai thác vượt mục tiêu (giảm 2,1%), mục tiêu là giảm 4; ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, về mức tăng trưởng đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra tăng trưởng 9,4% (mục tiêu là 9,5%).
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 tháng đầu năm 2019 chủ yếu đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất, trong đó có một số ngành tăng trưởng rất cao như: sản xuất kim loại, sản xuất xe có động cơ.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam - 1 chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất - đã girm từ mức 51,9 điểm trong tháng 3 cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất tháng thứ 40 liên tiếp. Mặc dù có kết quả dưới mức trung bình của năm 2018, chỉ số PMI đã ở trên ngưỡng 50 điểm vào cuối quý I.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá rằng, dù tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam là khá cao, tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Bộ Công Thương dự báo, từ nay đến cuối năm, một số dự án lớn hoàn thành trong năm 2018 và năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2019.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm