Sếp Siêu Việt Group: Mất việc do Covid-19, nhiều người không chấp nhận công việc tạm bợ mà muốn tìm việc lương cao
Hà Nội: Tạm giữ gần 1.300 sản phẩm thực phẩm chưa có hoá đơn, chứng từ / Mỹ trở thành nhà cung cấp trái cây số 1 cho Việt Nam
Hậu Covid-19 thị trường đang chứng kiến một nghịch lý, một sự mất cân đối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp (DN). Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020, số lao động mất việc làm là 670.000, riêng trong tháng 4 mất việc làm là 270.000 người, số lao động bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người. Bên cạnh số lượng lao động bị thất nghiệp rất lớn thì hiện cũng đang có hơn 10.000 DN đang không tìm được nhân sự phù hợp.
Đây là một trong những vấn đề đang nhận được sự chú ý và quan tâm rất nhiều thời gian gần đây. Tại buổi Talkshow “Thích ứng và thay đổi thế nào để làm chủ công việc, cuộc sống hậu Covid-19” các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và những giải pháp cho vấn đề trên.
Bà Dương Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Khối Khách hàng Ưu tiên Siêu Việt Group đã đưa ra một con số thống kê mà DN của bà đã triển khai và theo dõi trong thời gian qua. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát mới đây đối tượng là hơn 30.000 ứng viên về tác động của Covid-19 lên người lao động. Trong đó có 50% số người được hỏi đang tìm việc làm do ảnh hưởng của Covid-19 và có 50% trong số đó là đang tìm kiếm cho mình một cơ hội nghề nghiệp mới. Trong số 50% người đang tìm việc làm bởi vì bị cắt giảm trong dịch và do DN đóng cửa … thì có đến 50% trong số đó ứng viên vẫn mong muốn tìm được một công việc tốt hơn,, mức lương cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn.
“Thực tế cho thấy với con số 5 triệu người đang bị mất việc làm nhưng họ cũng không dễ dàng chấp nhận làm những công việc tạm bợ, mà họ vẫn có đòi hỏi được làm việc ở những môi trường tốt hơn, với mức lương cao hơn”, bà Trinh nhấn mạnh.
Các diễn giả tham gia chia sẻ tại chương trình Talkshow "Thích ứng và thay đổi thế nào để làm chủ công việc, cuộc sống hậu Covid-19”.
Tại buổi Taklshow này, ông Nguyễn Quốc Chư - Giám đốc Bộ phận Tạo nguồn và Truyền thông Thương hiệu Nhà tuyển dụng, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam cũng đưa ra nhận định riêng của mình về vấn đề nhân sự và tuyển dụng nhân sự hiện nay. Ông Chư cho biết: “Dù là giai đoạn Covid-19 hay bất cứ giai đoạn nào yếu tố mà nhà tuyển dụng đánh trọng số cao nhất đó là thái độ thể hiện ở sự cầu thị. Bên cạnh đó các nhà tuyển dụng cũng luôn đề cao năng lực thích nghi.
Do ảnh hưởng của Covid-19 nhiều hành vi của con người buộc phải thay đổi. Nhiều DN dịch chuyển sang làm online, ít làm offline hơn bắt buộc con người cần phải quen và sử dụng công nghệ nhiều hơn. Nếu người lao động không có năng lực thích nghi với những sự thay đổi trong công việc thì sẽ rất khó có thể thích nghi được.
"Bên cạnh đó, các DN cũng đề cao tính cam kết gắn bó lâu dài với tổ chức. Nếu như bạn gắn bó mới chỉ 1-2 năm cho DN thì thời gian này bạn chỉ mới thích nghi được với công việc và tổ chức thôi. Nếu bạn muốn gắn bó và phát triển thì cần thời gian dài hơn”, ông Chư nhấn mạnh.
“Trong thời kỳ mới này, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao về năng lực học hỏi và học tập suốt đời. Người lao động có tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi, tự dấn thân vào công việc, kết nối mọi người xung quanh, đưa ra vấn đề và cùng nhau tìm ra giải pháp sẽ luôn luôn được đánh giá cao. Dù trong giai đoạn hay thời điểm nào thì năng lực làm việc đều rất quan trọng”, ông Chư cho biết thêm.
Bên cạnh đó, giai đoạn cách ly xã hội là giai đoạn chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất của chuyển đổi số. Việc học trực tuyến cũng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bà Nguyễn Trà My - Giám đốc Kinh doanh - Phát triển đối tác của Edumall cho hay, xu hướng học trực tuyến và phương pháp học trực tuyến đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.
“Ở Việt Nam trong những năm gần đây, việc học trực tuyến mới chỉ được ứng dụng trong một bộ phận nhỏ, những người bận rộn đang đi làm và được tiếp xúc với công nghệ cao hàng ngày. Covid-19 chính là cơ hội để chúng ta nhìn vào những ưu điểm vượt trội của việc học trực tuyến. Đây chính là là cơ hội tuyệt vời để người lao động chủ động hơn trong nguồn tri thức mới", bà My cho biết.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khái niệm chuyển đổi số không còn trở nên xa lạ nữa. Nó đang dần chuyển thành một xu hướng phát triển của xã hội mà bất cứ cá nhân hay tổ chức nào không thích nghi và bắt kịp sẽ bị đào thải.
Chính vì vậy các chuyên gia tại sự kiện có đồng quan điểm là trong tương lai các DN sẽ tìm những người có tri thức thực sự, có thái độ làm việc nghiêm túc. Dù là làm việc online hay offline thì đó cũng chỉ là công cụ vì trong công việc mỗi người lại có khả năng vận dụng những điều mình học được khác nhau. Nhưng việc tự tìm hiểu và học hỏi thể hiện giá trị bản thân của con người đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo