Thị trường

Sóc Trăng: Sống khỏe re nhờ trồng loài rau dại tốt ngời ngời

Ngoài trồng hai vụ lúa một năm, ông Văn Công Út ở ấp Tân Hòa B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) còn là một lão nông gắn bó với cây cù nèo gần 20 năm nay. Nhờ thu nhập ổn định từ cù nèo đã giúp cuộc sống của gia đình ông ngày càng khá giả.

Cù nèo là loại rau quen thuộc, dân dã được người dân miền Tây sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Trước đây, cù nèo là cây dại mọc khắp nơi nhưng ngày nay loài cây này ngày càng khan hiếm. Thấy vậy, một số nông dân vùng trũng ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã lựa chọn trồng để phát triển kinh tế gia đình, tạo nguồn thu nhập ổn định quanh năm.

Ông Út tâm sự: “Khu vực gia đình tôi trồng cù nèo trước đây là kênh sườn Nhà nước đào, sau này làm lộ giao thông cắt ngang nên không còn sử dụng kênh này nữa nên tôi đã tận dụng để trồng cù nèo. Lúc đầu, để có giống cây cù nèo, tôi xin vài nhánh của người quen về trồng. Thấy cây phát triển nhanh và cho thu hoạch quanh năm, có nguồn thu nhập ổn định nên tôi quyết định nhân rộng diện tích cù nèo. Hiện nay, diện tích cù nèo của gia đình khoảng hơn 1.000m2”.

Theo ông Út, cù nèo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nên có giá bán ổn định, tiêu thụ dễ dàng.

Theo ông Út, cù nèo là cây rất dễ trồng, tỉa nhánh cấy hoặc lấy hột ương xuống sình rồi cây con mọc lên. Tuy nhiên, tỉa nhánh ra từ bụi thì trồng mau cho thu hoạch hơn so với trồng bằng hột. Thời gian trồng cù nèo tương đối ngắn, từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 20 ngày.

Cù nèo phù hợp đất bùn lầy nên phải trồng sâu dưới bùn, thân và rễ càng bám sâu dưới bùn thì cù nèo càng non và trắng. Do vậy từ lúc ông Út trồng cù nèo cho đến nay chưa phải trồng lại, bụi nào bự thì ông tỉa ra dặm như dặm lúa, còn nếu gốc nào nổi lên mặt nước thì nhấn rễ và thân ngập sâu xuống bùn để cù nèo phát triển.

Do ông Út trồng cù nèo ở đìa nên sình nhiều, có mức nước phù hợp khoảng 4 tấc đến 5 tấc nên cù nèo phát triển rất tốt và non.

“Tuy là loài cây sống dưới nước nhưng không cần nước nhiều, nếu nước sâu đọt cù nèo ngập nên hay bị thối. Khi mua cù nèo ở chợ thấy phần thân cù nèo trắng nhiều là cù nèo non còn cù nèo bự và xanh thì cù nèo đó già vì trồng ở nơi ít bùn” - ông Út cho hay.

Cù nèo không chỉ dễ trồng mà còn dễ thu hoạch. Theo kinh nghiệm của ông Út, khi đọt cù nèo đâm lên nhưng lá chưa xòe ra thì bắt đầu thu hoạch. Do vậy, phải thu hoạch mỗi ngày, không thì cù nèo sẽ bị già. Chi phí đầu tư trồng cù nèo không nhiều, chủ yếu ra công nhổ bán nhưng một ngày nếu 2người cũng chỉ bỏ khoảng 1 tiếng đồng hồ là thu hoạch xong, rồi mang bán cho mối ở chợ thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa.

Là cây hoang dại nên cù nèo có sức sống mãnh liệt, chỉ cần bùn sâu cù nèo phát triển xanh tốt nên nhẹ chi phí và không tốn công chăm sóc. Ngoài ra, cù nèo ít bị sâu bệnh nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít rủi ro hơn so với trồng các cây rau màu khác.

Ngày nay, các loại rau màu đang đứng trước nguy cơ bị lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cù nèo được xem là loại rau sạch dùng để chế biến nhiều món ăn dân dã trong bữa cơm gia đình như: kho cá, nấu canh chua, ăn với lẩu mắm... Vì thế, cù nèo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nên có giá bán ổn định, tiêu thụ dễ dàng.

Theo K.Thoa/Báo Sóc Trăng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo