Sớm xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)
Kinh tế Việt Nam năm 2024: 8 động lực cho tăng trưởng / Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm
Tại buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị lĩnh vực đất đai về việc xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)diễn ra ngày 16/2, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh để thi hành luật, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng 5 dự thảo nghị định hướng dẫn.
Các dự thảo nghị định bao gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng 4 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Để đảm bảo tiến độ đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống từ ngày 1/1/2025, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực đất đai (bao gồm Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký Dữ liệu và Thông tin đất đai) tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Đặc biệt, phải rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong các Dự thảo Nghị định, nhất là trong lĩnh vực đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, phân cấp triệt để cho các địa phương và xử lý chuyển tiếp để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Thứ trưởng cũng lưu ý các đơn vị Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ tập trung rà soát quy định tại các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để trao đổi, phản biện các quy định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các Văn bản quy phạm pháp luật, giúp Luật sớm đi vào cuộc sống.
Trước đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 2/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, ngày 18/1/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Trong quá trình chuẩn bị cho Luật Đất đai (sửa đổi) được chính thức thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trườngcũng đã chuẩn bị các nội dung cần thiết để triển khai sớm nhất, đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống.
Trước hết, Bộ đã cung cấp những nội dung mới, những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 đến các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông để có tư liệu cho việc tuyên truyền, phổ biến. Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024, trong đó có những nội dung đáng chú ý.
Bộ dự kiến có 9 Nghị định. Trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 Nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 Nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Nghị định. Dự kiến sẽ ban hành 6 Thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 Thông tư, Bộ Tài chính 1 Thông tư và Bộ Nội vụ 1 Thông tư. Có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu. Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân ban hành. Trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị.
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của Luật. Mục tiêu hướng đến là các điểm mới của Luật Đất đai, nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành được các đối tượng chịu tác động của luật và toàn thể nhân dân đều biết đến; hỗ trợ vào quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo