Sơn La: Đầu tư cây vàng, thu vườn cây ăn quả bạc tỷ
Trước đây, ông Chất làm cán bộ khoa xét nghiệm của Bệnh viện quân y 6, nhưng đến năm 1989 thì xin nghỉ về nhà chăm mẹ già và vợ ốm. Mảnh đất 3,7 ha của ông nằm trên quả đồi thuộc vùng hẻo lánh, ít người qua lại, nên muốn phát triển kinh tế chỉ còn cách làm trang trại là phù hợp nhất.
Những ngày đầu vật lộn
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Chất đã trồng thử các loại cây và theo dõi hiệu quả của chúng. Ông trồng lúa, mận hậu, mơ, cà phê... nhưng hầu như đều thất bại vì bị sương muối tàn phá vào mùa đông.
Không chịu lùi bước, năm 1998 ông cất công về Hà Nội, mua các tài liệu kỹ thuật, sách liên quan đến đất đai và cây trồng để về nghiên cứu, tìm loại cây phù hợp với đất. Vừa đọc tài liệu, ông vừa trồng thử nghiệm thêm các giống cây khác nhau và theo dõi sự phát triển của chúng.
Nhớ lại những ngày đầu vật lộn với cây cối, ông Chất cho biết: “Số tài liệu ấy tôi mua bằng số tiền tương đương 1 cây vàng - một khoản tiền không nhỏ đối với hoàn cảnh nhà tôi lúc đấy. Hiện tại, tài liệu về nông nghiệp nhà tôi có hẳn 1 tủ”.
Người đàn ông có khuôn mặt gầy, làn da rám nắng, hằn sâu nhiều vết nhăn, đôi bàn tay gầy guộc đúng kiểu một lão nông “chân lấm tay bùn” miền sơn cước đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc các loại cây trồng.
Năm 2012, ông Chất quyết định chặt bỏ toàn bộ cây cà phê, mơ, mận trong vườn để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả sau khi tìm hiểu thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Ông trồng chủ yếu các loại cam, bưởi, chanh, nhãn… lấy giống chọn lọc tại các cơ sở uy tín.
Từ sách dạy trồng cây, các tài liệu kỹ thuật trồng cam, bưởi... cây ăn quả mua về tham khảo, ông vừa làm theo tài liệu hướng dẫn vừa học hỏi từ các nhà vườn khác. Vì không có nhiều vốn, nên ban đầu ông chỉ mua một số cây giống, rồi về chăm và chiết cành để nhân rộng thêm.
Xác định sẽ gắn bó lâu dài với cây ăn quả nên ông đã chọn phát triển vườn nhà theo hướng làm nông nghiệp sạch. Tất cả các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch quả ông đều tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để lấy nguồn nước sạch tưới cho cây nhằm ngăn ngừa các loại nấm và sâu bệnh, ông Chất đầu tư đào giếng khoan. Ông hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong quá trình chăm sóc cây mà ưu tiên dùng chế phẩm sinh học và phân chuồng cùng vỏ cà phê, lõi ngô ủ hoai mục.
Bên cạnh đó, ông thường xuyên làm cỏ quanh gốc và tỉa cành, loại bớt các quả nhỏ để giúp cây khỏe cho quả to, ngon hơn… Nhờ chăm sóc cẩn thận và đúng kỹ thuật nên vườn cây ăn trái của ông phát triển rất tốt. Sau 4 năm, ông bắt đầu thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Làm giàu từ cây ăn quả
Năm 2016, với giá bán tại vườn 20.000 đồng/kg cam và 40.000 đồng/kg bưởi da xanh, ông đã thu lãi hơn 600 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2018, ông thu được hơn 60 tấn cam và bưởi các loại, đem về thu nhập 1 tỷ đồng.
Số quả này được ông tìm mối tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Cũng năm 2018, ông đứng ra vận động các thành viên thành lập HTX Trường Tiến chuyên cung cấp hoa quả sạch và các loại giống cây ăn quả.
HTX của ông Chất đang có khoảng 4.000 gốc cam và bưởi với các loại cam Vinh, cam V2, cam Cara ruột đỏ, cam đường Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn… đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông cũng đã lắp đặt hệ thống tưới ẩm theo công nghệ của Israel để bảo đảm cung cấp đủ lượng nước tưới đều cho cây.
Vụ mùa năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, nhiều vườn cây của các hộ khác bị chết hoặc rụng quả, tuy nhiên vườn cây ăn quả của ông Chất vẫn đang phát triển rất tốt. Theo như dự tính, năm 2019 này ông sẽ thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng tiền lãi. “Làm nông nghiệp sạch không khó và nó sẽ cho ta thu nhập cao. Tuy nhiên, phải kiên trì, chịu khó và yêu nông nghiệp thì mới thành công được”, ông Chất chia sẻ thêm.
Với quyết tâm làm giàu từ cây ăn quả, ông Chất đã gặt hái được nhiều thành công, HTX Trường Tiến trở thành mô hình điểm cần được nhân rộng tại Mai Sơn. Tuy nhiên, ông Chất nêu nên thực tế việc phát triển cây ăn quả tại huyện Mai Sơn còn gặp những khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh hại phát sinh nhiều, tập quán canh của người dân tác còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ; thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ; trình độ của nông dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp