Thị trường

Sơn La: HTX giúp cựu chiến binh lập nghiệp

Với ý chí kiên cường của người lính, tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Trần Trọng Bình (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã liên kết với các cựu chiến binh khác thành lập HTX Dịch vụ Cựu chiến binh Mộc Châu để cùng nhau lập nghiệp.

Được thành lập năm 2010 chỉ với 7 thành viên, đến nay HTX đã có 22 thành viên là Cựu chiến binh (CCB) tham gia. HTX chủ yếu hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, khai thác mật ong và các sản phẩm từ mật ong, chế biến các loại rau củ quả, nông sản ở địa phương; trong đó nuôi ong và khai thác các sản phẩm từ mật ong được xác định là ngành nghề chính.

Nuôi ong VietGAP

Nhận thấy Mộc Châu là một trong những địa phương có lợi thế về hoa rừng thiên nhiên, từ năm 2016, HTX đã chuyển sang đầu tư nuôi ong lấy mật và các sản phẩm từ mật ong.

Theo các thành viên HTX, nghề nuôi ong lấy mật sẽ tận dụng những điều kiện thuận lợi từ hệ sinh thái thực vật phong phú cũng như tiềm năng và lợi thế về rừng. Nghề này không đòi hỏi nhiều nhân lực, đầu tư không cao mà lại cho nguồn thu nhập khá.

Ông Bình cho biết: Ong là loài vật nuôi có thế mạnh, nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Mật ong của HTX luôn tuân theo đúng quy định kỹ thuật, như: Địa điểm nuôi ong phải ở nơi có không gian rộng rãi, trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại. Tránh đặt ong gần các cơ sở chế biến đường thủ công, hay các khu nhà máy chế biến đường, bánh kẹo. Thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh.

HTX đang từng bước mở rộng quy mô nuôi ong, vừa chuyển đổi giống ong, vừa phổ biến cho cán bộ, hội viên áp dụng KH-KT chăn nuôi theo mô hình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm và cung cấp dịch vụ vật tư, con giống, kỹ thuật nuôi ong cho các thành viên trong HTX.

Trong quá trình sản xuất, HTX đã áp dụng KH-KT để nâng cao hiệu quả nuôi ong như xây dựng vùng nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc và thương hiệu. Các thành viên đã tuân thủ quy trình nuôi ong an toàn, như: Để thùng ong ở gần nguồn thức ăn, nước sạch, bóng râm và xa nguồn ô nhiễm về chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, khu vực phun thuốc trừ sâu;…

Sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX đã được Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản Sơn La cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Trung tâm quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1 của Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mật ong và phấn hoa của HTX đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao.

Xúc tiến thương mại

Nuôi ong theo hướng VietGAP đã giúp đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng của mật ong, góp phần tăng hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong.

Hiện nay, HTX Mộc Châu có gần 1.600 đàn ong đang cho khai thác mật, với sản lượng mật bình quân ước đạt 50 tấn/năm; phấn hoa 2 tấn/năm.

Cùng với đó, HTX cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; tham gia các kỳ hội trợ nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh khác.

Đặc biệt, HTX đã phối hợp cùng trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ NN&PTNT tham gia mở cửa gian hàng tại Hội trợ Nông sản sạch (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội); giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô các sản phẩm đặc trưng của HTX, như: Cao ngựa bạch, mật ong rừng, hoa quả sấy…

Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu từ ngành ong mang lại cho các thành viên HTX ước đạt 13,5 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm HTX cũng thu được khoảng 500 triệu đồng. Trước hiệu quả từ khai thác mật ong và các sản phẩm từ mật ong của HTX, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện đã học tập và triển khai nhân rộng mô hình sang các khu vực khác.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo