Tài chính - ngân hàng

Cần có cơ chế sandbox riêng cho mỗi lĩnh vực để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

DNVN - Chính phủ và Quốc hội đã có những bước chuyển mình để sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng Fintech và cộng đồng khởi nghiệp bằng việc thúc đẩy xây dựng cơ chế sandbox cho Fintech. Tuy nhiên, sandbox mới được thiết kế trong phạm vi hẹp, cần có sandbox riêng cho mỗi lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của thị trường.

HDBank ưu đãi lãi suất cho nhà cung cấp siêu thị qua chương trình tín dụng 100% online / Tổng thu tháng 9 giảm gần một nửa, thu ngân sách quý IV dự báo nhiều rủi ro

Vì sao Việt Nam cần có sandbox?
Hiện hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng, mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh. Thực tế cho thấy, ngân hàng số Timo Digital Bank cũng phải dựa vào Bản Việt để thực hiện các hoạt động cung cấp các giải pháp tài chính của mình. Hoặc trên thị trường nhiều công ty ngang hàng, hoặc các công ty cung cấp giải pháp tài chính đều có đăng ký doanh nghiệp ở các nước khác nhưng lại hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 6/9/2021 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Dự thảo nghị định về cơ chế sandbox cho Fintech do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì soạn thảo. Chính phủ đang yêu cầu NHNN cố gắng xây dựng dự thảo sanbox cho Fintech để trình Chính phủ trong quý IV năm nay.
Lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm trong dự thảo này dự kiến có 6 lĩnh vực: Thanh toán, tín dụng; cho vay ngang hàng; hỗ trợ định danh khách hàng; giao diện lập trình ứng dụng mở (API); các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo; các dịch vụ hỗ trợ ngân hàng.
Tại Hội thảo “Phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 21/10, TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) khẳng định, sandbox không phải là mới. Sandbox là khung thể chế thử nghiệm để tạo ra môi trường thử nghiệm có hạn chế trong một phạm vi nhất định, qua đó tạo ra không gian pháp lý áp dụng cho mô hình tài chính mới, các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Cơ chế này vừa giúp doanh nghiệp (DN) thử nghiệm và đưa sản phẩm của mình gia nhập thị trường nhưng đồng thời cũng giúp nhà quản lý học hỏi, qua đó hiểu và thiết kế một khung pháp lý hoàn chỉnh.

TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp).

Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia áp dụng mô hình này. Mức độ phổ biến của sandbox rất lớn. Năm 2016, lần đầu tiên sandbox được giới thiệu ở Vương quốc Anh, sau đó lan tỏa ra nhiều nước khác. Đến năm 2020, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới có 57 quốc gia áp dụng sandbox và hiện có 73 loại sandbox cho các công ty Fintech. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có áp dụng mạnh mẽ sandbox như Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đan Mạch, Nam Phi, Ấn Độ, Hy Lạp.
Theo bà Hoa, có hai lý do để Việt Nam cần có sandbox. Đó là để phục vụ cho đổi mới sáng tạo và khung pháp lý hiện hành đang có những rào cản. Sản phẩm đổi mới sáng tạo gồm rất nhiều dịch vụ như thanh toán bán lẻ, dịch vụ chuyển tiền, cho vay, nhận diện khách hàng, tư vấn tài chính, quản trị tài sản, hợp đồng thông minh, an ninh mạng. Trong khi đó, những công nghệ đổi mới sáng tạo gồm ứng dụng công nghệ di động, phân tích dữ liệu, dịch vụ tương tác chương trình ứng dụng, các ứng dụng của công nghệ blockchain, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
"Rõ ràng hiện đang có những rào cản pháp lý cho đổi mới sáng tạo. Theo khung thể chế hiện hành ở Việt Nam, các sản phẩm đổi mới sáng tạo không thể gia nhập được thị trường cho nên nhiều DN, nhà sáng lập và đồng sáng lập phải đăng ký DN ở nước ngoài. Ngay cả việc cho vay ngang hàng cũng đăng ký pháp nhân ở nước ngoài. Ngoài ra, việc tuân thủ quy định hiện hành trở nên đắt đỏ và tốn kém. Quy định hiện hành có thể chưa tạo môi trường pháp lý chắc chắn cho những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào. Quy định hiện hành coi sản phẩm đổi mới là bất hợp pháp, theo đó cấm sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán.
Mỗi lĩnh vực cần một sandbox
Đánh giá cao việc NHNN ban hành Nghị quyết 100, chuyên gia Chu Thị Hoa cho biết, với việc NHNN đang dự thảo nghị định về sandbox cho Fintech đã thể hiện tư duy đổi mới sáng tạo. Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích đổi mới sáng tạo và cần cuộc cách mạng về tư duy chính sách.
"Tôi đã bền bỉ kiến nghị suốt từ năm 2017 đến nay về việc huy động vốn và phát hành tiền ảo hay ban hành cơ chế sandbox. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có tín hiệu đáng mừng, dù hơi chậm, nhưng chúng ta đã có sắp có sandbox cho Fintech. Thêm một tín hiệu đáng mừng nữa là Quốc hội cũng đang quan tâm xem xét về khung thể chế thử nghiệm này. Tôi cũng mong muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra một nghị quyết riêng về sandbox. Điều này cho thấy, Chính phủ và Quốc hội đã có những bước chuyển mình để sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng Fintech và cộng đồng khởi nghiệp", bà Hoa chia sẻ.

Hiện sandbox mới chỉ thiết kế cho lĩnh vực Fintech.
Dưới góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thiết kế của NHNN về sandbox có phạm vi hơi hẹp, tức là chỉ có sandbox cho lĩnh vực Fintech, và trong Fintech chủ yếu cho lĩnh vực ngân hàng.
"Theo tôi, cần gợi ý để NHNN mở rộng thêm. Sandbox bao hàm cả những lĩnh vực khác như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... Hiện rất nhiều lĩnh vực cần cơ chế sandbox. Nếu NHNN chỉ để ý tới sandbox trong lĩnh vực ngân hàng thì sẽ rất khó làm với những lĩnh vực khác", chuyên gia Cấn Văn Lực nêu.
Chuyên gia này nhấn mạnh, sandbox cần sớm ra đời để từ sandbox bắt đầu cho phép triển khai nhanh hơn, rộng hơn ở khung pháp lý trong những lĩnh vực khác. Trong đó, cần hết sức chú ý về số liệu và dữ liệu.
Đồng quan điểm, bà Chu Thị Hoa cho biết, dự thảo của NHNN không thể ôm đồm nhiều lĩnh vực, mà mỗi sandbox chỉ cho một lĩnh vực.
"Chẳng hạn, trong lĩnh vực cho vay ngang hàng chúng ta có thể nhìn từ Nhật Bản. Sau khi thử nghiệm xong, Nhật Bản có ngay Luật Cho vay ngang hàng. Như vậy, mỗi lĩnh vực cần một sandbox riêng. Theo tôi, cần thống nhất kiến nghị lên Chính phủ việc cần nhiều sandbox cho nhiều lĩnh vực khác nhau để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của thị trường", bà Hoa chia sẻ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm