Tài chính - ngân hàng

Chấp nhận đầu tư để có hạ tầng thanh toán bền vững

DNVN - Phát hành thẻ tín dụng nội địa còn rất nhiều dư địa cho các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan khai phá. Việc chấp nhận đầu tư thông qua việc tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng nhằm phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng là một trong những kinh nghiệm đáng lưu tâm.

Vietcombank năm 2021 – Vững tin vượt khó / HOSE sẽ huỷ giao dịch “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết

Lợi ích, tiềm năng của phát hành thẻ tín dụng
Từ năm 2001 thẻ tín dụng đã được phát hành nhưng tốc độ phát triển chưa cao. Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức sáng 11/3, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định, đến nay chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị thanh toán và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Chủ thẻ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn loại hình thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của mình.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới toàn ngành, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngành ngân hàng, các quy trình phát hành thẻ tín dụng đang được các ngân hàng chú trọng thay đổi theo hướng số hóa thông qua phương thức xác thực khách hàng số (eKYC) và cấp hạn mức trước cho các khách hàng sử dụng thường xuyên các dịch vụ của ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, số lượng người dùng thẻ tín dụng nội địa rất ít. (Ảnh: LĐO)
Trong khi đó, kết quả khảo sát về hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng năm 2021 của Công ty nghiên cứu thị trường Mibrand cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp với 46% nhưng đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.
Cũng theo khảo sát của Mibrand, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%. Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
Bà Trần Thị An Dung - Giám đốc vùng tại Hà Nội của Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, thẻ tín dụng nội địa được khách hàng của ACB hưởng ứng tích cực và có tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê từ 2017 đến 2021, doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân khoản 80%/năm.

Theo ông Lê Văn Tuyên, có nhiều tiềm năng để phát hành thẻ tín dụng nội địa. (Ảnh: LĐO)
Đề cập tới lợi ích và tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa, ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá.
Trong khi đó, tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên. Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam...
Kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng nội địa, bà Trần Thị An Dung, cho biết, để phát triển thẻ tín dụng nội địa hiệu quả cần có sản phẩm phù hợp để khách hàng chủ động chi tiêu trên thẻ và thanh toán lại số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán mà không mất chi phí lãi phát sinh. Cần hướng đến đối tượng khách hàng phù hợp để khách hàng có thể tiếp cận những khoản vay nhỏ lẻ với chi phí thấp nhất trên thị trường.
"Ngoài ra, cần "đóng gói" sản phẩm phù hợp. Đây là một trong những yêu tố then chốt quyết định đến việc thành công của sản phẩm. Thẻ tín dụng nội địa tại ACB không được bán đến khách hàng như một sản phẩm riêng lẻ mà được đóng gói thành một giải pháp cho khách hàng", bà Dung chia sẻ.
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết, thời gian qua, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng như phí thường niên, phí tin nhắn khi sử dụng.

Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết chia sẻ kinh nghiệm phát hành thẻ tín dụng nội địa. (Ảnh: LĐO)
"Đây là một trong những áp lực rất lớn về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, để phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, chúng tôi cũng chấp nhận đầu tư. Bây giờ khách hàng không phải ra quầy. Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện tất cả trên online. Với kinh nghiệm của chúng tôi, việc rất quan trọng là phải phát triển được hạ tầng chấp nhận thanh toán tốt, triệt để, mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng", ông Khoa nhấn mạnh.
Chúng tôi đã làm mới lại toàn diện các dòng thẻ của mình. Động lực của chúng tôi là thẻ quốc tế làm được cái gì thì thẻ Việt Nam cũng làm được cái đó. Từ công nghệ mới lạ đến thiết kế sành điệu.
Ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là Thông tư 17, sửa đổi Thông tư 19 trước đây, qua đó Ngân hàng Nhà nước giúp VietinBank tự tin là có thể triển khai cấp/phát hành thẻ online; giúp các ngân hàng Việt Nam tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
Đẩy mạnh số hóa
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN - ông Phạm Tiến Dũng cho biết, với tầm quan trọng của thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, thời gian tới các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa. Tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.
Đồng thời mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, Phó Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ tín dụng và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm