Tài chính - ngân hàng

Châu Á – Thái Bình Dương: Cải cách thuế là chìa khóa đảm bảo tăng trưởng bền vững

DNVN - Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 công bố ngày 6/4 cho rằng một số phương thức mà các nền kinh tế thuộc khu vực đang phát triển Châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng thu ngân sách từ thuế, vốn là điều cần thiết để giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Cải cách thuế, hải quan: Công chức "ngại" đại lý Thuế / Cải cách thuế để đảm bảo nguồn thu

Theo báo cáo của ABD, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn tài chính công cho các ưu tiên như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Các cải cách chính sách sẵn có, khi được áp dụng một cách chiến lược, có thể cho phép các nền kinh tế thuộc khu vực đang phát triển châu Á tăng thu thuế lên tới 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bên cạnh đó, dân số già hóa của khu vực đang phát triển châu Á sẽ đòi hỏi chi tiêu cao hơn cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cuộc sống ngày càng sung túc sẽ thúc đẩy kỳ vọng được hưởng hàng hóa và dịch vụ công với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Đầu tư lớn vào năng lượng sạch là cần thiết để giải quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Để đáp ứng những nhu cầu này, các quốc gia sẽ cần phải tranh thủ các nguồn lực tài chính công và tư nhân. Các giải pháp mà các chính phủ cần xem xét bao gồm thu thuế giá trị gia tăng hiệu quả hơn, cải cách các cơ chế ưu đãi thuế, đưa nhiều doanh nghiệp hơn vào nền kinh tế chính thức và tối ưu hóa thuế thu nhập cá nhân và thuế tài sản.

ADB họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022. (Ảnh: Hà Anh).

Chuyên gia kinh tế trưởng Albert Park của ADB nhấn mạnh: “Các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về đảm bảo chi tiêu công hiệu quả trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và môi trường.

Những cải cách chính sách nhằm cải thiện hành thu thuế và tăng thu ngân sách có thể giúp khu vực đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm. Những cải cách như vậy phải được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và theo các cách thức không kìm hãm tăng trưởng hoặc tạo ra gánh nặng không đáng có đối với người nộp thuế."

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc ước tính rằng khu vực này sẽ cần tăng chi tiêu hàng năm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD - tương đương khoảng 5% GDP - để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Theo ước tính của ADB, thông qua việc ban hành các cải cách, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á có thể tăng thu thuế thêm 3 đến 4 điểm phần trăm từ mức trung bình khoảng 16% GDP trước đại dịch.

Ví dụ, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dễ dàng hơn và giảm chi phí giao dịch có thể đưa nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia vào nền kinh tế chính thức, giúp tăng cường thu thuế. Ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và 41% GDP tính đến năm 2020.

Chính phủ cũng có thể cải thiện hành thu từ hoạt động thương mại dịch vụ kỹ thuật số đang phát triển mạnh ở châu Á và Thái Bình Dương, tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2005 lên mức 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

“Các loại thuế khác có thể giúp tăng thu ngân sách đồng thời trực tiếp thúc đẩy bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, các công cụ định giá các-bon và thuế nhiên liệu hóa thạch đã được chứng minh là giúp giảm thiểu ô nhiễm. Thuế đánh vào rượu, thuốc lá, thực phẩm và đồ uống không lành mạnh có thể giúp tăng thu ngân sách thêm đến 0,6% GDP, đồng thời mang lại kết quả tốt hơn về sức khỏe và giảm chi phí y tế”, Báo cáo ADO 2022 cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm