Tài chính - ngân hàng

FE Credit lỗ 2.376 tỷ đồng trong năm 2022

DNVN - FE Credit vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mức lỗ sau thuế 2.376 tỷ đồng. Đồng thời, "gà đẻ trứng vàng" của VPBank cũng phải xử lý 4.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.

Doanh nghiệp quản lý chuỗi WinMart và WinMart+ lỗ 4 năm liên tiếp, dư nợ trái phiếu gần 4.500 tỷ đồng / Bóng dáng Nam Á Bank đằng sau lô trái phiếu hơn 700 tỷ đồng của Sapphire Coast

Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của doanh nghiệp trong kỳ kế toán 1/1-31/12/2022.


FE Credit báo lỗ sau thuế 2.376 tỷ dồng trong năm 2022.

Cụ thể, trong năm 2022, FE Credit báo lỗ sau thuế 2.376 tỷ đồng, trong khi năm ngoái doanh nghiệp vẫn có lãi 312,6 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12 2022, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu gần 13.241 tỷ đồng, giảm hơn 2.560 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) xuống còn âm 17,94% (trong khi năm trước là 1,98%); tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành của FE Credit giảm từ 17,79% xuống 16,16% trong năm 2022.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, FE Credit lỗ trong năm 2022 chủ yếu đến do việc tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh. Việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng nhanh trong giai đoạn trước dịch COVID- 19 và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.

Theo HNX, hiện FE Credit đang lưu hành 31 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị 6.400 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có lãi suất dao động từ 6,8 – 7,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng, giá trị từ 100 – 500 tỷ đồng/lô trái phiếu.

Đáng chú ý, từ tháng 5 – tháng 7/2023, FE Credit có 13 lô trái phiếu đáo hạn với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng.

13 lô trái phiếu sắp đến ngày đáo trong năm 2023 của FE Credit.

FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) được thành lập vào tháng 2/2010. Đến đến tháng 2/2015, FE Credit được chuyển đổi thành đơn vị độc lập với tên gọi Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và đã tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Công ty tiếp tục nâng vốn lên 2.790 tỷ đồng vào năm 2016 và 4.474 tỷ đồng trong năm 2017. Chỉ 1 năm sau, vốn điều lệ FE Credit tiếp tục được nâng lên 7.328 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 4/2021, VPBank đã bán 49% vốn của FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC như hiện nay. Sau khi bán vốn cho SMBC, FE Credit nâng vốn điều lệ từ 7.328 tỷ đồng lên 10.928 tỷ đồng. Hiện VPBank đang sở hữu 50% vốn điều lệ tại FE Credit.

FE Credit từng là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng VPBank khi nhiều năm liền đóng góp từ 40-50% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ. Đỉnh điểm vào năm 2017, VPBank có doanh thu đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Sau khi khấu trừ thuế, ngân hàng này báo lãi ròng tới hơn 6.430 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận FE Credit chiếm khoảng 51% vào tổng lợi nhuận chung của VPBank. Cụ thể, mảng cho vay khách hàng của FE Credit chiếm 21 - 22% trong năm 2017, số dư cho vay chiếm 23% trên cơ cấu tổng tài sản VPBank.

Sỹ Bắc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm