Giải pháp mấu chốt phát triển tài chính xanh
DNVN - Một trong những điểm mấu chốt nhất để phát triển thị trường tài chính xanh là phải ban hành danh mục phân loại xanh nhằm bảo đảm việc thực hiện thống nhất từ tín dụng xanh cho đến phát triển tài chính xanh, thậm chí là các cơ chế ưu đãi xanh.
NAPAS và Mastercard phát hành thẻ đồng thương hiệu với 9 ngân hàng / Các tổ chức tín dụng đang có điều kiện thuận lợi cung ứng vốn vay
Nút thắt cần tháo gỡ
Tài chính xanh, hiểu đơn giản là việc hướng dòng vốn tài chính từ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và đầu tư vào các hoạt động có lợi cho môi trường. Đây là lĩnh vực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mang lại lợi ích cho cả môi trường, xã hội và nền kinh tế.
Tại hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá” ngày 31/10 tại Hà Nội, TS Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Việt Nam cần lượng vốn lớn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh. Báo cáo Ngân hàng Thế giới 2022 chỉ ra rằng, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, để theo đuổi lộ trình phát triển bền vững.
Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong phát triển tài chính xanh với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm trong lĩnh vực tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh từ năm 2017. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ kinh tế. Với con số khiêm tốn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua, Việt Nam còn khoảng cách lớn so với nhu cầu vốn chuyển đổi xanh lên đến 20 tỷ USD mỗi năm.
TS Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, tài chính xanh tại Việt Nam gặp trở ngại do lượng vốn lớn, thời gian đầu tư dài và hiệu quả tài chính chưa cao. Các quy định về kinh tế xanh còn thiếu tính đồng bộ, thiếu quy chuẩn phân loại dự án xanh và các quy định về thị trường carbon chưa hoàn thiện.
Theo ông Hùng, việc ban hành khung pháp lý thống nhất là cấp thiết để giải quyết các thách thức này, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận vốn quốc tế và phát triển thị trường carbon kết nối với quốc tế.
TS Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, đề xuất cần bổ sung khung pháp lý rõ ràng cho thị trường tài chính và trái phiếu xanh. Chính sách này cần đa dạng hóa các khuyến khích, như giảm lãi suất cho vay xanh và ưu đãi thuế phí cho nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích các quỹ đầu tư xanh tham gia phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Giải pháp mấu chốt
Theo TS Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phải sớm ban hành danh mục dự án xanh. Nghị định 08 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đã yêu cầu Bộ TN&MT phải chủ trì để có thể ban hành quyết định về danh mục phân loại xanh trước tháng 12/2022. Đến nay đã gần 2 năm, danh mục này vẫn chưa được ban hành.
"Đây là một trong những điểm nấu chốt nhất để có thể phát triển được thị trường tài chính xanh nói chung cũng như mục tiêu hướng đến phát triển bình vững và giảm phát phải khí nhà kính. Chúng ta cần danh mục này để bảo đảm việc thực hiện thống nhất từ tín dụng xanh cho đến phát triển tài chính xanh hay thậm chí là các cơ chế ưu đãi xanh", bà Bình nhấn mạnh.
Giải pháp thứ hai, theo bà Bình, là bổ sung cơ chế ưu đãi cụ thể cho tài chính xanh. Uỷ ban đề xuất sửa đổi ngay Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước theo hướng bổ sung tín dụng xanh vào danh mục ưu đãi lãi suất ngắn hạn.
Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý cho mua sắm công xanh, giảm thuế cho tổ chức phát hành trái phiếu xanh và miễn giảm chi phí phát hành. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về dự án xanh, tín dụng và nhà đầu tư xanh cũng được đề xuất nhằm phục vụ quản lý và cảnh báo rủi ro môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách phát triển bền vững.
Tại sự kiện, các chuyên gia có chung nhận định, tài chính xanh không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ hội lớn cho Việt Nam hướng đến một nền kinh tế xanh, phát thải thấp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các giải pháp cần được áp dụng nhanh chóng, đồng bộ để mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo