OCB: Nợ trái phiếu tăng mạnh, lợi nhuận “lao dốc” 30%
Ngân hàng vận động không ngừng trong cuộc đua chuyển đổi số / Ngân hàng OCB: Khách hàng giảm gửi tiền, nợ xấu tăng vọt 60%
Nợ trái phiếu tăng 6.800 tỷ đồng
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 9 tháng năm 2022, nợ trái phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã tăng thêm 6.800 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân là do ngân hàng này đã phát hành tới 16 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị lên đến 12.300 tỷ đồng.
Một số lô trái phiếu do Ngân hàng OCB phát hành trong năm 2022.
Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 7/2022, Ngân hàng OCB phát hành 9 lô trái phiếu với giá trị 6.700 tỷ đồng.
Trong tháng 8/2022, Ngân hàng OCB huy động thành công 3.800 tỷ đồng thông qua việc phát hành 5 lô trái phiếu.
Tháng 9/2022 mới đây, nhà băng này chào bán thành công thêm 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ngân hàng OCB cũng nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ trái phiếu khi đã mua lại toàn bộ 6 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng.
HNX cho biết, ngày 12/5/2022, Ngân hàng OCB cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 12/5/2020.
Đến tháng 6/2022, Ngân hàng OCB tiếp tục mua lại toàn bộ trước hạn lần lượt 3 lô trái phiếu OCB.BOND02.2020, OCBL2124002, OCB.BOND1.2020 với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng.
Ngày 27/9/2022, Ngân hàng OCB đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 tăng vốn có kỳ hạn 3 năm, phát hành vào ngày 27/9/2021 và ngày đáo hạn 27/9/2024.
Gần đây nhất, ngày 28/9/2022 vừa qua, ngân hàng này tiếp tục mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 28/9/2021 mã OCBL2124008 có kỳ hạn 3 năm.
Ngân hàng OCB và nhiều ngân hàng khác “ráo riết” mua lại trái phiếu trước hạn trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, rủi ro từ nợ trái phiếu của Ngân hàng OCB vẫn tăng trưởng thêm 6.800 tỷ đồng lên mức 25.325 tỷ đồng.
Lợi nhuận lao dốc gần 30%
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, thu nhập lãi thuần ngân hàng OCB trong 9 tháng đầu năm đạt gần 5.121 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng này có những biến động trái chiều.
Trong khi đó, lãi từ dịch vụ tăng 34 % đạt hơn 626 tỷ đồng hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về khoản lãi tăng 22%, đạt gần 66 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng thu được khoản lãi gần 328 tỷ đồng, tăng 32% do thu được các khoản nợ xử lý.
Ở chiều ngược lại, hoạt mua bán chứng khoán kinh doanh của Ngân hàng OCB báo lỗ 77 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 178 tỷ do ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường diễn biến bất lợi từ tác động chính sách thế giới và tình hình vĩ mô thay đổi.
Do tình hình nợ xấu tăng mạnh, OCB đã trích lập gần 920 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. OCB cho biết, ngân hàng này đã thực hiện trích lập dự phòng và ghi nhận số liệu phân nhóm nợ theo CIC và báo cáo tài chính theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/07/2021 và Văn bản 2156/NHNN-TTGSNH ngày 12/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng OCB báo lãi trước và sau thuế lần lượt là 2.648,6 tỷ đồng và 2.118 tỷ đồng, suy giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của Ngân hàng OCB đạt hơn 193.149 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 11,3% so với đầu năm lên mức hơn 113.587 tỷ đồng.
Tuy nhiên đang lo ngại là chất lượng tín dụng của nhà băng này lại đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu nội bảng đã tăng hơn 2 lần từ mức 1.350 tỷ đồng đầu năm lên 2.801,2 tỷ đồng vào cuối quý 3.
Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2022, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 60,7% lên mức 524 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp đôi lên mức 578 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến 2,3 lần so với đầu năm lên mức gần 1.700 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng OCB tăng từ 1,3% hồi đầu năm lên 2,5% tại thời điểm 30/9.
End of content
Không có tin nào tiếp theo