Phát triển thị trường vốn: Cần duy trì lãi suất thấp, khuyến khích khởi nghiệp cần vốn rẻ
DNVN - Sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét với hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng. Dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ và cân bằng hơn trong kỷ nguyên mới.
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình và xây dựng chợ văn minh / Áp dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thị trường vốn: Bức tranh cân đối nhưng nhiều thách thức
Tại Diễn đàn Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới do Tạp chí Kinh tế & Dự báo (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức sáng 30/3/2021 tại Hà Nội, các chuyên gia đã phác họa bức tranh chung về thị trường vốn Việt Nam trong 20 năm qua.
Theo các diễn giả, sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các hoạt động thông qua nền tảng Internet và kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Sự nhận biết của người dân đối với thị trường vốn tăng nhanh. Các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam ngày càng trưởng thành, không bị phản ứng thái quá đối với các thông tin phía bên ngoài mà ngày càng ứng xử phù hợp với các yếu tố nền tảng căn bản. Tuy nhiên thị trường vốn Việt Nam hiện nay vẫn còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết để phát triển bền vững hơn.
Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh nhưng đang đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của thị trường. Các định chế xếp hạng tín nhiệm, định chế bảo hiểm rủi ro chưa phát triển.
TTCK đã phát triển vượt bậc nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao; các chức năng tự ổn định của thị trường mới phát triển chưa đủ để giảm thiểu các biến động của thị trường. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.
Hoạt động tín dụng năm 2020 bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, đặc biệt là những tháng đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng bị chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp.
Một đặc điểm đáng lưu ý của thị trường tiền tệ năm 2020 đó là, mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng. Điều này một mặt giúp cho các NHTM tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm cho tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho rằng, 20 năm qua, TTCK Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển TTCK tới đây.
Việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.
Nhấn mạnh đến việc phát triển vốn cho doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì đánh giá, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước, qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp Nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.
Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn Việt Nam là rất lớn khi khung pháp lý ngày càng hoàn thiện; nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, triển vọng phục hồi và phát triển khá tốt. Thêm vào đó là quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn; Chỉ số P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực; Thu nhập tăng nhanh cùng với việc ngày càng có nhiều. Việc nhà đầu tư quan tâm tới TTCK dẫn đến dòng vốn từ cá nhân đi vào thị trường nhiều hơn...
Cho rằng thị trường vốn nước ta có nhiều triển vọng, chuyên gia Cấn Văn Lực dẫn một loạt số liệu của Ủy ban Chứng khoán đến hết tháng 2/2021. Đó là: Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam ước đạt 5.600 nghìn tỷ VNĐ (89% GDP 2020); Hàng hóa gồm 880 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 SGDCK, 909 cổ phiếu niêm yết trên UpCom. Trong khi đó, lượng tài khoản nhà đầu tư đạt 2,8 triệu tài khoản; số tài khoản giao dịch thường xuyên ước đạt 1,6 triệu.
Tuy vậy, theo ông Cấn Văn Lực, việc phát triển thị trường vốn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, thiếu tính ổn định. Các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe. Hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường; Nguy cơ bong bóng trên thị trường do lượng vốn từ các nhà đầu tư mới chưa có nhiều kiến thức về TTCK; Nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững...
Cần phát triển TTCK theo chiều sâu, duy trì lãi suất thấp
Theo ông Cấn Văn Lực, dù triển vọng là lớn nhưng kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi năm 2023; nâng cấp hạ tầng CNTT và cơ sở dữ liệu thị trường. Ông Cấn Văn Lực dự báo, con người và công nghệ là 2 đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.
Đối với thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, trong giai đoạn tới, TTCK cần tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao sức chịu đựng của thị trường trước các yếu tố bên ngoài để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
"Vì vậy, hiện nay cần tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng", ông Tú Anh kiến nghị.
Với thị trường tiền tệ, ông Tú Anh đề xuất cần duy trì môi trường lãi suất thấp, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các hoạt động khởi nghiệp trong môi trường vốn rẻ. Cùng với các chính sách duy trì lãi suất thấp, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường BĐS, tránh để thị trường phát triển quá nóng. Ngoài ra, việc kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn là yêu cầu then chốt đảm bảo phục hồi kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính giúp phát hiện rủi ro tiềm ẩn từ các ngân hàng, từ các thị trường tài chính...
Trên góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn HAPACO - 1 trong 4 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên TTCK cho biết: Trong bức tranh tổng quan nền kinh tế Việt Nam, nếu như ngành ngân hàng đã ra đời 70 năm, thì ngành chứng khoán mới có lịch sử hơn 20 năm hoạt động. Trước khi có thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chỉ có một cửa duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, HAPACO và rất nhiều doanh nghiệp khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường.
Cho rằng thị trường vốn Việt Nam phát triển một thị trường hoàn toàn mới, đại diện HAPACO bày tỏ mong muốn cần thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, vững vàng hơn nữa, để nuôi dưỡng các khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
"Chúng tôi chỉ có thể thực hiện tốt khát vọng bứt phá, nếu thị trường vốn Việt Nam, nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua các khó khăn hiện hữu, tiếp tục phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào thị trường. Các doanh nghiệp sẽ huy động được vốn mới, mở rộng cổ đông, mở rộng đối tác, tạo thành một sức mạnh lớn hơn, tạo ra lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp và đất nước", đại diện HAPACO chia sẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo