Tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Đơn giản hóa 27 thủ tục kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của NHNN / NHNN sẽ sớm đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia
Theo NHNN, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước, rất khác biệt so với thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT).
Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản,... đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng với mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong định hướng điều hành là góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới lợi ích tổng thể hài hòa của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD)
NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.
“Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ”, ông Tú khẳng định.
Định hướng nhiệm vụ năm 2023, ông Tú cho biết, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
NHNN tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tải khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điễu hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Năm 2023, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Tú nói.
Đồng thời, NHNN sẽ triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mỗ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD...
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.
Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó là tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thống tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo