Việt Nam thay đổi tích cực về chỉ số công khai minh bạch ngân sách
Gây thiệt hại ngân sách nhiều tỷ đồng, cựu giám đốc một ban quản lý dự án ở An Giang bị bắt / Hơn 120.000 tỷ đồng thu ngân sách từ xuất nhập khẩu
OBS được xây dựng trên các tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức Kiểm toán Quốc tế (INTOSAI) và các tiêu chuẩn về sự tham gia của tổ chức Sáng kiến toàn cầu về Minh bạch tài khoá (GIFT).
Khảo sát OBS 2023 là khảo sát lần thứ 9, với 125 quốc gia tham gia thực hiện khảo sát, tăng 5 quốc gia so với kỳ khảo sát OBS 2021. Theo kết quả OBS 2023, điểm trung bình toàn cầu về minh bạch không thay đổi ở mức 45/100 điểm. Điểm trung bình toàn cầu về sự tham gia tăng 1 điểm ở mức 15/100 điểm và điểm trung bình toàn cầu về giám sát tăng 10 điểm với 45/100 điểm ở giám sát của cơ quan dân cử và 62 điểm ở giám sát của cơ quan kiểm toán nhà nước.
Kết quả khảo sát OBS 2023 ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng so với OBS 2021.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã thực hiện cơ chế lấy ý kiến trực tiếp người dân thông qua các cuộc tọa đàm do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức về dự thảo dự toán ngân sách. Đồng thời, xây dựng các báo cáo ngân sách Nhà nước dành cho công dân, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.
Nhận định về kết quả chỉ số công khai ngân sách OBI 2023 của Việt Nam tại lễ “Công bố OBS 2023”, sáng ngày 28/6, TS Ngô Minh Hương - nghiên cứu chính về khảo sát công khai ngân sách, CDI cho biết, OBS 2023 đạt được kết quả tích cực và Việt Nam có triển vọng cải thiện tốt hơn.
Để có được những thay đổi tích cực này, Bộ Tài chính, cơ quan Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở trụ cột sự tham gia, mặc dù điểm của Việt Nam tăng và hiện cao hơn điểm trung bình toàn cầu nhưng vẫn ở mức tham gia “ít”.
“Do vậy, cần có các cơ chế thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào tất cả các giai đoạn của quy trình ngân sách, bao gồm lập, thực hiện và kiểm toán ngân sách. Ví dụ, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác có thể thí điểm các cơ chế để công chúng tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực hiện ngân sách.
Đặc biệt, các nhóm cộng đồng yếu thế có thể trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức xã hội-nghề nghiệp đại diện góp ý trong quá trình xây dựng các ưu tiên về ngân sách. Công chúng cũng có thể tham gia góp ý cho các kế hoạch và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước”, bà Hương nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo