Thị trường

Tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch qua các tuyến đường sắt

DNVN - Bộ Tài chính vừa kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các tuyến đường sắt.

Đường sắt ‘nghiến răng chịu lỗ' để hút ‘thượng đế' quay trở lại / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn gần 5 tỷ USD, chỉ đạo thu hồi dự án nhà máy rác thải ở Phú Quốc

Theo Bộ Tài chính, từ sau Tết Nguyên đán 2022, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới phía Bắc liên tục sụt giảm. Lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu theo hình thức nhỏ giọt và thường rơi vào trạng thái bị động theo thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc mặc dù các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, triển khai vùng xanh, vùng đệm tại các cửa khẩu đã được các địa phương triển khai.

Trong khi đó, đường sắt có lợi thế vận chuyển luôn thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác.

Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế. Căn cứ nhu cầu, kiến nghị của một số doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định xu hướng phát triển của vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế là tất yếu. Do đó, cần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt.

Tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch qua các tuyến đường sắt là xu thế tất yếu.

Giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt được Bộ Tài chính đưa ra bao gồm:

Tăng cường xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính như cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các nền tảng, ứng dụng thương mại điện tử. Tăng danh mục hàng hoá được phép xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và xây dựng cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Mở rộng, nâng cấp các cặp cửa khẩu đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương). Đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc về việc ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vât đối với các loại trái cây đang được xuất khẩu chính ngạch để chuẩn hoá các yêu cầu kiểm dịch.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tăng số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.

Hiện nay, ngành hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng, thuận tiện.

Tuy nhiên, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt. Bởi vậy, cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang tăng lên của thị trường.

Bộ Tài chính sẽ căn cứ quy hoạch, công bố ga đường sắt liên vận quốc tế và trên cơ sở năng lực, điều kiện cơ sở hạ tầng để phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu.

Được biết, nội dung đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép thuộc tỉnh Bắc Giang đã được Bộ Tài chính đồng ý.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm