Tăng trưởng 16,4%, doanh nghiệp trong nước là điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước tăng cao
Theo Bộ Công Thương, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt con số 194,3 tỉ đô la, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật là xuất khẩu có xu hướng tăng dần qua các quí. Theo đó, quí I tăng 5,3%, quí II tăng 7,2% và lên 8,2% vào quí III (đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức từ 7%-8% trong năm 2019).
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%). Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Cụ thể, xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo, cao su... của khối doanh nghiệp trong nước đều đạt mức tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
The ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thừa nhận từ quý IV/2018 đến nay, ngành dệt may chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, xuất khẩu sợi vào Trung Quốc giảm mạnh do sức mua của các nhà sản xuất ở đây giảm. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại cũng đang tạo sức ép cho nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định ở mức 10,4%, đạt 9,7 tỷ USD sau 9 tháng.
Tận dụng hiệu quả các FTA
Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có tới 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia có FTA với Việt Nam tăng cao cũng đồng thời cho thấy nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng, xuất khẩu sang xuất khẩu sang Nga tăng 13,9%, Nhật Bản tăng 10%; Hàn Quốc tăng 8,1%; ASEAN tăng 4,7%... Đặc biệt, tại các thị trường là thành viên CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức tăng tốt, trong đó xuất khẩu sang Canada đạt 2,9 tỉ đô la, tăng 30,9% và xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỉ đô la, tăng 27%...
Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu.
Theo Phương Lan/Công thương
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng