Thái Nguyên: Đào tạo, bồi dưỡng phương pháp thử nếm cảm quan, đánh giá các sản phẩm trà
DNVN - Trong tuần qua (9-16/9/2019), Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ thử nếm cảm quan, đánh giá chất lượng trà cho các thành viên HTX, tổ hợp tác và hộ trồng chè trên địa bàn toàn tỉnh.
Vĩnh Phúc: Nghèo nhất làng thành tỷ phú nhà lầu xe hơi, mỗi tháng đút túi 150 triệu / Thị trường condotel Nha Trang trầm lắng: Không hẳn là "bước lùi"
Chương trình do giảng viên Vũ Hữu Hào, chuyên gia kiểm định chất lượng nông sản hướng dẫn, giảng dạy. Phương pháp thử nếm cảm quan mang đến nhiều kiến thức bổ ích được rút ra từ những kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào quy trình chế biến, sản xuất trà tại các đơn vị.
Vai trò khoa học cảm quan đó là phát hiện đúng ưu, nhược điểm và những khuyết tật của sản phẩm, để có hướng giải pháp phù hợp, làm giảm mức độ rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng trà trước khi đưa ra thị trường.
Giảng viên Vũ Hữu Hào hướng dẫn các học viên kiểm tra chất lượng trà bằng phương pháp thử nếm cảm quan.
Phương pháp thử nếm cảm quan được đánh giá qua các chỉ tiêu cụ thể: Ngoại hình, màu nước pha, mùi và hương vị đặc trưng của sản phẩm. Trà xanh ngon phải có độ xoăn chắc, cánh đồng đều, màu nước xanh, trong sáng, sóng sánh. Mùi hương thơm cốm non lan tỏa. Vị chát dịu hậu ngọt đậm đà, không có khuyết tật như: Ôi, ngốt, oi khói, cháy khét, chua, thiu hay nhiễm mùi lạ…
Toàn tỉnh Thái Nguyên, cây chè được trồng tới 21.500ha, năng suất bình quân đạt 113,9 tạ/ha; Sản lượng chè búp tươi đạt 223,78 nghìn tấn/năm; Sản lượng chè ngày càng tăng cao bởi người dân đã tăng cường trồng các loại chè cành, chè lai và chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhiều giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, TRI777…
Các học viên thực hành thử nếm trà theo phương pháp cảm quan.
Hiện nay, 80% diện tích trồng chè ở Thái Nguyên đều có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng VietGAP; 30% diện tích đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hoặc UTZ. Các vùng chè đặc sản tập trung tại nhiều địa danh: Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Đồng Hỷ, Võ Nhai, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên. Chè có giá trị sản xuất trung bình đạt khoảng 91 triệu đồng/ha. Vì vậy, sản xuất, trồng, chế biến trà búp xanh chính là một trong những mục tiêu mũi nhọn về phát triển kinh tế địa phương và phát huy cơ hội làm giàu cho người dân các làng nghề chè tại Thái Nguyên.
Đại diện các HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình trồng và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng thử nếm cảm quan trà.
Sau chương trình tập huấn đào tạo, bồi dưỡng thử nếm cảm quan, đánh giá chất lượng chè, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên còn liên kết với Liên minh HTX thành phố Hà Nội đưa đoàn đi tham quan tại một số làng nghề, cơ sở sản xuất mẫu mã bao bì bằng giấy các tông và các chất liệu thân thiện với môi trường như: Mây, tre đan để thiết kế những sản phẩm bao bì đa dạng, đẹp, an toàn, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Kim Phượng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo