Thái Nguyên: 'Gặt' thành công từ chè VietGAP
HTX chè Hảo Đạt được thành lập vào năm 2017, có tiền thân là tổ hợp tác sản xuất kinh doanh chè Hảo Đạt, đã hoạt động được nhiều năm. Hiện, HTX đang có 41 thành viên, hộ liên kết, tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Sản xuất an toàn
Hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX Hảo Đạt chủ động đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô vùng chè nguyên liệu lên 10.000m2 theo quy trình VietGAP, bắt tay xây dựng thương hiệu, đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm và an toàn lao động (ATLĐ).
Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX, cho biết: “Sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc của HTX đối với các thành viên trồng chè nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè đầu vào luôn đạt được chất lượng cao nhất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và nâng cao ATLĐ cho người sản xuất”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong quá trình sản xuất, HTX nói không với các loại hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai và các loại thuốc trừ sâu sinh học.
Điển hình, trong quá trình sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được HTX tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây. Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, ủ hoai sẽ được ưu tiên.
Trong quá trình sử dụng máy móc, các thành viên, người lao động của HTX được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, vận hành máy hiệu quả, đảm bảo năng suất lao động, tính an toàn trong quá trình sử dụng.
“Chính nhờ phương thức sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, nâng cao khoa học – kỹ thuật, giúp thành viên HTX yên tâm làm việc và phát huy hết khả năng trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn”, Giám đốc Đào Thanh Hảo nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Cùng với sản xuất an toàn, HTX đã chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cụ thể, HTX đã đầu tư nâng cấp hai nhà xưởng nâng tổng diện tích lên trên 1.000m2, dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động.
Đại diện HTX cho biết tổng chi phí đầu tư hiện đại hóa nhà xưởng vào khoảng hơn 2 tỷ đồng. Công suất cũng từ đó tăng lên đạt 4 - 4,5 tấn chè búp tươi mỗi ngày. Bình quân mỗi năm, HTX chế biến được từ 1.350 - 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 250 - 300 tấn chè búp khô.
Không chỉ nâng cao năng suất lao động, quá trình cơ giới hóa giúp thành viên HTX không phải trực tiếp tham gia vào các công đoạn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao như sao, cắt, trộn… đảm bảo ATLĐ cho đội ngũ sản xuất.
Ngoài việc đầu tư công nghệ thiết bị, nâng cao các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ, HTX đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm của HTX chè Hảo Đạt được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng cao.
Được biết, trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng doanh thu, giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo