Thị trường

Tháng 1/2022, xuất khẩu đạt 29 tỷ USD

Trong tháng 1/2022, xuất khẩu đã đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Những nguyên nhân nào dẫn đến kết quả tích cực như vậy.

“Sốt đất” trong năm 2022? / Tháng 1, CPI của cả nước tăng 1,94% so với cùng kỳ

Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là giá bán tăng và thêm nhiều hợp đồng được ký kết, nhiều chuyến hàng được giao nhận. Ngay trong những ngày đầu xuân năm mới, trong khi nhiều lĩnh vực, ngành nghề có kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lại cấp tập sản xuất để kịp các đơn hàng, từ sản xuất đồ khô, đến thuỷ sản hay đồ gỗ đều có mức tăng trưởng ấn tượng.

Mọi hoạt động đều diễn ra bình thường, xuyên Tết để những chuyến hàng kịp thời rời nhà máy lên đường xuất khẩu… là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp nên lưu lượng hàng hoá qua các cảng biển trên cả nước tăng mạnh

Anh Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng, cho biết: "Số lượng hàng hoá và số lượt tàu khởi sắc ngay từ những ngày đầu xuân. Hệ thống của chúng tôi, 5 cầu cảng khai thác đủ 5 chuyến tàu với sản lượng thông qua ngay ngày đầu xuân là 10.000 Teu, tương đương khoảng 150 tấn hàng hoá thông quan".

Tháng 1/2022, xuất khẩu đạt 29 tỷ USD - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Xuất khẩu thuỷ sản tháng 1 vừa qua có được mức tăng trưởng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến tích cực này được cho là các doanh nghiệp Việt đã đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định khắt khe của Mỹ, châu ÂUu và Nhật Bản.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nói: "Hiện nay, họ còn phải hiểu vấn đề mang tính bao quát hơn, có chiều sâu hơn. Đó là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vấn đề phát triẻn bền vững. Tỷ lệ chúng ta xuất vào thị trường này bị lỗi, bị trả lại ngày càng ít đi, thời điểm này rất là nhỏ, không đáng kể".

Mức tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước là ngành gỗ, với 5 mặt hàng mục tiêu như ghế ngồi, nội thất, dăm gỗ, viên nén, ván ép… nhờ chủ động được nguồn cung nguyên liệu.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: "Giảm thiểu việc sử dụng gỗ nhập khẩu, tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để bảo đảm cho việc chủ động không bị ảnh hưởng bởi logistic, không bị đứt gãy trong nguồn nguyên liêụ để sản xuất liên tục".

Xuất khẩu tháng 1 cả nước tăng 1,6% so với cùng kỳ, mức này có thể cao hơn nếu không có tình trạng ùn ứ xe hàng nông sản, thuỷ sản tại các cửa khẩu phía Bắc. Theo Bộ Công Thương, chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là việc cần làm của các doanh nghiệp trong năm 2022.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định: "Các địa phương, các thương lái cũng như các nhà vườn cần chuyển đổi sang kinh doanh chính ngạch. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có liên kết với người nông dân thông qua ký kết các khu vực vùng tròng có thể bao tiêu sản phẩm".

Trong tháng 1, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm