Thanh Hóa: Nuôi la liệt ba ba, rùa câm, lợn rừng, bán trầy trật, giá rớt thảm
Tuy nhiên, do gây nuôi, chăm sóc con đặc sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đầu ra bấp bênh nên nhiều mô hình đã thất bại. Hầu hết các mô hình nuôi con đặc sản còn tồn tại đều giảm số lượng đàn, thu hẹp quy mô.
Anh Trịnh Trọng Tú, xã Yên Ninh (Yên Định) là một trong những người tiên phong mang giống lợn rừng về địa phương gây nuôi. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh Tú không ngần ngại chia sẻ: “Năm 2012, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình nuôi con đặc sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian tham khảo, tôi nhận thấy lợn rừng là loài vật hoang dã, dễ nuôi, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên, như: Chuối cây, lục bình, rau muống, khoai lang... từ đó giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi”.
Với số vốn ban đầu gần 700 triệu đồng, anh Tú nhập giống tại một số trang trại có uy tín ở các tỉnh Gia Lai, Hòa Bình... Tuy nhiên, lứa lợn rừng đầu tiên xuất bán không thu được lợi nhuận do chưa có kinh nghiệm nên thịt lợn rừng chất lượng kém, không đáp ứng được yêu cầu của thương lái. Qua nhiều lần thất bại, anh nhận thấy nuôi lợn rừng khó khăn hơn nhiều so với giống lợn thông thường.
Theo anh Tú, khó nhất chính là kỹ thuật chăn nuôi, nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không có quy trình cụ thể hay qua lớp tập huấn nào. Và để có được kinh nghiệm thì anh phải “trả giá” bằng nhiều lần thất bại với hàng trăm con lợn đã bị chết vì bệnh dịch. Bên cạnh đó, đối với giống lợn rừng, 1 năm chỉ xuất bán 1 lứa nên thời gian thu hồi vốn chậm.
Theo anh Tú tính toán nếu chăm sóc tốt và lượng tiêu thụ ổn định, trung bình mỗi năm có thể thu lãi 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, đầu ra của sản phẩm chủ yếu qua thương lái nên tiêu thụ không ổn định. Hiện tại, anh Tú quyết định không mở rộng quy mô chuồng trại mà cố gắng giữ số lượng đàn hiện có với 300 con.
Được biết, hiện nay, xã Yên Ninh có khoảng 10 hộ đang phát triển kinh tế nhờ nuôi con đặc sản, với một số con nuôi như: Ba ba, lợn rừng, thỏ... Tuy nhiên, đa số các hộ nuôi với quy mô nhỏ lẻ, số vốn đầu tư ban đầu khá cao, nên một số hộ dừng chăn nuôi.
Từ năm 2005, khi người dân xa xứ trở về mảnh đất Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đã mang theo giống ba ba gai và rùa câm để nuôi thì đời sống người dân đã có phần khởi sắc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá thu mua giảm thì nhiều hộ không còn duy trì nuôi. Nếu như trước đây, giá thu của thương lái cho giống rùa câm là 25 – 27 triệu đồng/kg, thì đến nay, giá thu mua giảm xuống còn 5 - 7 triệu đồng/kg.
Bên cạnh đó, số hộ nuôi cũng có xu hướng giảm, đến nay chỉ còn 150 hộ duy trì mô hình nuôi con đặc sản, giảm 30 hộ so với thời điểm trước đây. Qua tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 3 năm về trước, trang trại nuôi rùa câm và ba ba của ông Lê Xuân Hào, thôn Nam Bằng là mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, hiện nay, do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, giá bán không ổn định nên mô hình nuôi con đặc sản của gia đình ông Hào không còn hoạt động.
Ông Quản Trọng Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cho rằng: “Thị trường tiêu thụ con đặc sản thường tập trung vào các dịp lễ tết, người mua chủ yếu là đối tượng có điều kiện kinh tế và phần lớn được xuất sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra bị phụ thuộc, bấp bênh. Bên cạnh đó, giá một số con đặc sản xuống thấp và khó tiêu thụ là do người nuôi tự phát theo phong trào, không tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường. Nuôi con đặc sản cạnh tranh bởi số ít và quý hiếm, nhưng khi trở nên phổ biến, nguồn cung vượt quá cầu thì đầu ra của sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hộ mới nuôi, chưa thu hồi được vốn”.
Tình cảnh bấp bênh trong việc nuôi con đặc sản đang trở nên phổ biến ở một số huyện, như: Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Thọ Xuân... Việc đầu tư gây nuôi chỉ ở quy mô hộ nhỏ lẻ, chưa có trang trại lớn, phát triển theo phong trào tự phát nên không bền vững.
Ông Tống Văn Giáp, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Để phát triển bền vững, các mô hình nuôi con đặc sản cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng giúp người chăn nuôi có định hướng, không chạy theo phong trào tự phát, giá cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến giá con giống tăng, giá thấp thì giảm đàn dẫn đến khủng hoảng thiếu.
Theo ông Giáp, các hộ chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật, tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu về phòng tránh dịch bệnh. Để hạn chế tối đa thiệt hại, người chăn nuôi nên tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, tìm hiểu kỹ thị trường, nắm chắc kỹ thuật để lựa chọn thời điểm đầu tư hợp lý...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu